Áp lực nợ vay của Tổng công ty 36

(BĐT) - ĐHĐCĐ bất thường của Tổng công ty 36 - CTCP (TCT 36) tổ chức cuối tháng 11/2016 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 và 2018 với chỉ tiêu lợi nhuận khá lạc quan.
Chi phí lãi vay đã ăn mòn lợi nhuận của Tổng công ty 36. Ảnh: Kỳ Thành
Chi phí lãi vay đã ăn mòn lợi nhuận của Tổng công ty 36. Ảnh: Kỳ Thành

Cụ thể, TCT 36 đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2017 và 2018 lần lượt đạt 128,8 tỷ đồng và 134,5 tỷ đồng. Trước đó, 2 chỉ tiêu này chỉ được đề ra ở mức 42,2 tỷ đồng và 44,1 tỷ đồng. Đặt kế hoạch khả quan, kết quả kinh doanh năm 2016 của TCT 36 lại tương đối èo uột.

Kinh doanh bết bát

Sau một năm IPO, hoạt động kinh doanh của TCT 36 ghi nhận rất nhiều sự yếu kém. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2016 của TCT 36 cho thấy, doanh thu thuần giảm từ 2.591 tỷ xuống 2.377 tỷ đồng (8%), lợi nhuận gộp tăng nhẹ 13% (từ 121 lên 137 tỷ đồng). Đáng chú ý là chi phí tài chính tăng vọt, 133,4 tỷ đồng so với 51,9 tỷ đồng của năm 2015, chiếm đến một nửa lợi nhuận gộp của TCT 36. Trong đó 100% chi phí tài chính là lãi vay. Có thể nói, chi phí lãi vay đã ăn mòn lợi nhuận của TCT 36. So với cùng kỳ năm 2015, lợi nhuận trước thuế và sau thuế đều ghi nhận giảm lần lượt 27% (từ 24,3 xuống 17,7 tỷ đồng), và 37% (từ 18,5 xuống 11,6 tỷ đồng).

Tỷ suất giá vốn trên doanh thu thuần luôn ở mức xấp xỉ 0,94. Như vậy, nếu hoạt động tài chính, không phải hoạt động chính của TCT 36, không hiệu quả thì sẽ kéo theo sự yếu kém của hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng là một gánh nặng với TCT 36, 60,3 tỷ đồng so với 40,7 tỷ đồng năm 2015. Nếu TCT 36 không quản lý chặt phần chi phí thì sẽ khó cải thiện hiệu quả kinh doanh trong năm 2017. 

Báo động con số nợ

Việc sụt giảm lợi nhuận không phải là nỗi buồn duy nhất của cổ đông TCT 36. Cơ cấu nguồn vốn bị mất cân đối của doanh nghiệp này cũng là điều đáng quan ngại. Cụ thể, cuối năm 2016 tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn là 93,5%. Báo động hơn là nợ ngắn hạn chiếm 81,4% tổng nợ. Chiếm tỷ trọng lớn trong nợ ngắn hạn luôn luôn là nợ phải trả người bán, đặc biệt trong năm 2016, vay nợ ngắn hạn tăng mạnh 64%, từ 672 lên 1.103 tỷ đồng.

Thông qua phân tích diễn biến nguồn vốn và sử dụng vốn TCT 36 huy động được (1.448 tỷ đồng) thì phần lớn là từ nguồn ngắn hạn như: phải trả người bán ngắn hạn (18,6%), phải trả ngắn hạn khác (15%), vay và nợ ngắn hạn (30%) để tài trợ chủ yếu cho các hoạt động dài hạn là bất động sản đầu tư (24%), xây dựng cơ bản dở dang (26%). Việc huy động vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn có thể khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này tiềm ẩn rủi ro cao trong năm 2017.

Hệ số khả năng thanh toán luôn ở trạng thái báo động. Cụ thể: khả năng thanh toán tức thời chỉ ở mức 0,08 (giảm 31,75%), khả năng thanh toán nhanh là 0,5 (giảm 14,6%), thậm chí khả năng thanh toán hiện hành đang từ 1,01 giảm xuống 0,84 (giảm 17%). Khả năng thanh toán lãi vay vẫn duy trì ở mức trên 1 nhưng cũng đã giảm thêm gần 23% còn 1,13.

Hệ số thanh toán lãi vay nêu trên được tính trên con số trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016, nhưng như đã nói ở trên, doanh thu của TCT 36 đang có xu hướng giảm, kết hợp với sự tăng mạnh của vay ngắn hạn ghi nhận cuối năm 2016 thì năm 2017, nếu Tổng công ty không cải thiện hiệu quả kinh doanh, khả năng không thanh toán được các khoản chi phí lãi là rất cao.

Cơ cấu tài sản của TCT 36 có sự thay đổi đáng kể. Nếu như đầu năm 2016 tài sản ngắn hạn chiếm 72% tổng tài sản thì cuối năm chỉ còn 64%. Một điểm đáng chú ý là khoản 350 tỷ đồng đầu tư bất động sản chỉ xuất hiện cuối năm 2016. Trong năm doanh nghiệp này không ghi nhận hoàn thành bất kỳ công trình xây dựng nào, cũng như có sự chuyển đổi bất động sản chủ sở hữu sử dụng sang bất động sản đầu tư.

Chuyên đề