Áp lực ngân sách tăng mạnh trong năm 2016

(BĐT) - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa tổ chức Lễ công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam quý I/2016 với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Kinh tế quý I chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể kể từ năm 2012 tới nay – Báo cáo của VEPR cho biết. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, tăng trưởng quý I thấp hơn so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. Cụ thể, GDP chỉ tăng 5,46% trong quý I/2016, thấp hơn mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015.

Theo tính toán của VEPR, chỉ số hoạt động kinh tế (VEPI) – chỉ số do tổ chức này đưa ra – còn ghi nhận mức tăng trưởng thậm chí u ám hơn con số chính thức được công bố sau khi loại bỏ những ảnh hưởng của việc “thổi” chỉ số tăng trưởng vì những nguyên nhân ngoài kinh tế, chỉ đạt xấp xỉ 4% so với mức tăng trung bình 5,6% trong năm 2015 vừa qua. VEPI cũng như chỉ số tăng trưởng chính thức đã có một quý giảm mạnh nhất kể từ khi được thống kê.

Chia sẻ tại Lễ công bố Báo cáo, các chuyên gia hầu hết thống nhất nhận định về sức ép ngân sách trong năm 2016, khi mà khả năng tăng thu không lớn, Nhà nước buộc phải cắt giảm chi thường xuyên. 

Về các nguồn thu ngân sách, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, về mặt lý thuyết, Chính phủ không thể tăng thuế. Ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng… Tuy nhiên, với mỗi khoản thu thuế vẫn có dư địa tăng, do từ trước đến nay vẫn diễn ra thất thoát, lãng phí. Siết chặt các khoản thu bằng việc giao các chỉ tiêu thu, tăng cường kỷ luật thu ngay lập tức sẽ tạo áp lực không nhỏ tới các doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, thuế thì không tăng, nhưng các loại phí thì chưa thể dự đoán trước – TS. Nguyễn Đức Thành thuộc VEPR nhận định.

Tuy vậy, về tổng quan, vẫn không có dấu hiệu cho thấy nguồn thu ngân sách sẽ được cải thiện trong năm 2016 khi nền kinh tế chưa thoát khỏi đà suy giảm, giá dầu tuy phục hồi nhưng vẫn ở mức thấp…

Vấn đề đặt ra là, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để giảm chi thường xuyên, bội chi chắc chắn sẽ tiếp tục không thực hiện được kế hoạch dưới 5% GDP của Quốc hội. Đi kèm với các giải pháp cắt giảm chi ngân sách ngắn hạn quyết đoán, Chính phủ cần có một chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ này. “Đó là thách thức đối với Chính phủ mới” – Báo cáo của VEPR nhận định.

Chuyên đề