“Ăn chắc, mặc bền” với cổ phiếu cảng biển

(BĐT) - Thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn khó khăn khi chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi. Kết quả kinh doanh năm 2015 được các doanh nghiệp (DN) dần công bố cho thấy, ngành cảng biển đang nổi lên như một lựa chọn cho các nhà đầu tư ưa phòng thủ, an toàn.
Hầu hết doanh nghiệp cảng biển hoạt động hiệu quả trong năm 2015. Ảnh: Lê Tiên
Hầu hết doanh nghiệp cảng biển hoạt động hiệu quả trong năm 2015. Ảnh: Lê Tiên

Lợi nhuận tốt

Theo báo cáo tài chính của Công ty CP Cảng rau quả (mã VGP), năm 2015, DN đạt 52,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT), vượt 200% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm (18 tỷ đồng) và 37,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST). Khoản lợi nhuận ròng chưa phân phối đến cuối năm 2015 còn 25,96 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 82 tỷ đồng, lợi nhuận VGP 2015 đạt được cao giúp DN “rủng rỉnh” chia cổ tức. Tháng 9/2015, cổ đông đã nhận tạm ứng cổ tức lần 1/2015 bằng tiền với tỷ lệ 15%, tới đây VGP thực hiện chia tiếp 15%. Như vậy năm 2015, cổ đông của VGP sẽ nhận cổ tức tổng cộng 30%. Đáng chú ý, cổ phiếu (CP) này đang giao dịch ở mức hấp dẫn 17.200 đồng/CP (giá ngày 22/1/2016) với P/E (hệ số giá trên thu nhập một CP) chỉ ở mức 3,6 lần.

Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (mã VSC) cũng có một năm kinh doanh thành công khi chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015 đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm tới 18%. Cụ thể, 9 tháng VSC đạt 697 tỷ đồng doanh thu và 225 tỷ đồng LNST. Tài chính lành mạnh thể hiện ở tổng tài sản đến hết 9 tháng đạt 1.845 tỷ đồng, tăng 350 tỷ đồng so với đầu năm; LNST chưa phân phối là 220 tỷ đồng; tiền mặt tại quỹ là 286 tỷ đồng. Triển vọng kết quả kinh doanh tích cực của VSC phần nào đã được phản ánh vào giá CP khi tăng từ 53.000 đồng/CP hồi đầu tháng 9/2015 lên trên 70.000 đồng/CP cho đến thời điểm hiện tại.

Hoạt động tại Hải Phòng, Công ty CP Cảng Đoạn Xá (mã DXP) đạt kết quả kinh doanh 2015 rất tích cực. Theo báo cáo tài chính của Công ty, năm 2015, DXP đạt 212 tỷ đồng doanh thu, vượt 33% chỉ tiêu cả năm (160 tỷ đồng); LNTT đạt 89,3 tỷ đồng, gấp 2,2 lần kế hoạch cả năm (40 tỷ đồng).

Là DN cảng có quy mô lớn nhất tại Hải Phòng, hoạt động của Công ty CP Cảng Hải Phòng (mã PHP) cũng khá tích cực khi trong 9 tháng đầu năm 2015 ghi nhận doanh thu thuần đạt 429,03 tỷ đồng, LNST đạt 117,25 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 258% so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả kinh doanh cả năm 2015 chưa được công bố nhưng theo Nghị quyết HĐQT Công ty, năm 2016, PHP đặt mục tiêu tổng doanh thu của Công ty sẽ đạt khoảng 1.910 tỷ đồng và 480 tỷ đồng lợi nhuận, tăng mạnh so với năm 2015. Với số vốn điều lệ lớn (3.260 tỷ đồng) nên tỷ lệ lợi nhuận trên vốn của PHP vẫn thấp. PHP đang tiến hành tái cấu trúc khá mạnh, trong đó hướng đến giảm vai trò, ảnh hưởng của cổ đông nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. 

Hưởng lợi từ kinh tế vĩ mô

Trong báo cáo “Triển vọng đầu tư 2016”, Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng dự báo tăng nhanh trong năm 2016 nhờ  mở rộng thị trường xuất khẩu do các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) và thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến định hướng xuất khẩu; xuất nhập khẩu hàng hóa dự báo tăng trưởng nhanh nhờ các nền kinh tế Mỹ, EU hồi phục, tăng sức mua các hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam như quần áo, may mặc, giày dép hay thủy sản. CP ngành cảng biển có tính phòng vệ cao với kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, tỷ lệ trả cổ tức hàng năm cao. So sánh với các DN khai thác cảng trong khu vực, CP ngành cảng biển của Việt Nam (ngoại trừ PHP) có P/E và P/B khá hấp dẫn. Với tiềm năng phát triển trong năm 2016, giá CP bình quân ngành cảng biển có thể tăng lên tương đương với mức bình quân chung của khu vực. BSC đưa ra đánh giá khả quan với ngành cảng biển và khuyến nghị, một số CP có khả năng tăng trưởng cao nhờ sở hữu cảng ở vị trí đắc địa, có kế hoạch mở rộng công suất trong năm tới .

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VPBank, khi giá dầu ở mức thấp thì nhóm CP ngành logistics tăng trưởng mạnh hơn thị trường (chỉ số VN-Index) và ngược lại. Ngưỡng tạo ra xu thế diễn biến trái ngược giữa thị trường và nhóm ngành logistics là mức 100 USD/thùng. Cụ thể, trong các giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010 và từ tháng 9 năm 2014 đến nay, khi giá dầu dưới mức 100 USD/thùng thì chỉ số giá CP ngành logistics có tốc độ tăng mạnh hơn chỉ số VN-Index. Do vậy, trong khoảng thời gian tới, khi giá dầu khó có thể phục hồi trên 100 USD/thùng thì nhóm ngành CP logistics sẽ vẫn là ngôi sao mới nổi có khả năng sinh lợi cao hơn mức trung bình của thị trường.

Với kết quả kinh doanh tích cực của năm 2015 và triển vọng khả quan năm 2016, CP cảng biển được nhà đầu tư tranh thủ mua vào trong những phiên thị trường giảm điểm mạnh gần đây. Lợi nhuận tốt, tính phòng thủ cao nhưng một đặc điểm rất đáng chú ý của CP ngành này là thanh khoản khá yếu. Một phần do cổ đông lớn nắm giữ lâu dài khiến lượng hàng trôi nổi ít, một phần do thị giá ở mức khá cao như VSC trên 70.000 đồng/CP, DXP gần 60.000 đồng/CP, DVP 63.000 đồng/CP… nên nhà đầu tư có tâm lý dè dặt khi mua CP ở mức giá này. Việc lướt sóng đối với CP cảng biển là rất khó và chỉ dành cho nhà đầu tư trường vốn, ưa “ăn chắc, mặc bền”.

Chuyên đề