Xuất khẩu tháng 2 của Trung Quốc giảm mạnh nhất 3 năm

Dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tiếp tục giảm tốc bất chấp loạt biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh...
Những container hàng hóa đang được dỡ xuống từ một tàu chở hàng đậu ở cảng Thiên Tân của Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
Những container hàng hóa đang được dỡ xuống từ một tàu chở hàng đậu ở cảng Thiên Tân của Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 2/2019 giảm mạnh nhất 3 năm, trong khi nhập khẩu giảm tháng thứ ba liên tiếp. Những dữ liệu này được xem là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tiếp tục giảm tốc bất chấp loạt biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố sáng 8/3 cho biết kim ngạch xuất khẩu tháng 2 tính bằng USD của nước này giảm 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2016.

Trước khi dữ liệu trên được đưa ra, các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát dự báo xuất khẩu tháng 2 của Trung Quốc giảm 4,8%, sau khi đạt mức tăng 9,1% trong tháng 1.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 của Trung Quốc giảm 5,2%, mạnh hơn mức dự báo giảm 1,4% mà các chuyên gia đưa ra trước đó.

Thặng dư thương mại tháng 2 của Trung Quốc là 4,12 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức dự báo thặng dư 26,38 tỷ USD.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ - một dữ liệu rất nhạy cảm - giảm mạnh còn 14,72 tỷ USD trong tháng 2, từ mưc 27,3 tỷ USD trong tháng 1.

Giới đầu tư toàn cầu hiện đang theo dõi sát sao các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc, bởi năm 2018 nền kinh tế nước này chỉ tăng 6,6%, mức tăng thấp nhất trong 30 năm.

Theo bà Sarah Lien, nhà quản lý danh mục thuộc Eastspring Investments, mức giảm 20,7% của kim ngạch xuất khẩu tháng 2 của Trung Quốc là một con số lớn và thị trường chắc chắn cảm thấy thất vọng. Tuy nhiên, không nên xem con số này là một điều ngạc nhiên, bởi giới đầu tư đã nhận thức rõ về sự giảm tốc đang diễn ra của kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 7/3 nói rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng 3,3% trong 2019, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng trưởng mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 11. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone xuống còn 1,1%, từ mức dự báo tăng 1,7% đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.

Những con số thống kê thương mại vừa công bố bổ sung thêm tín hiệu cho thấy một sự khởi đầu năm mới kém thuận lợi của kinh tế Trung Quốc. Số đơn đặt hàng mà các nhà máy của Trung Quốc nhận được từ khách hàng trong và ngoài nước đang có chiều hướng giảm xuống do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài và nhu cầu giảm sút tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư nói rằng cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn đang diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, ông Trump cảnh báo rằng Mỹ hoặc ký một thỏa thuận tốt với Trung Quốc, hoặc không ký thỏa thuận nào.

Ngoài chiến tranh thương mại và sự giảm tốc kinh tế toàn cầu, cỗ máy kinh tế của Trung Quốc còn chịu ảnh hưởng bởi chiến dịch giảm nợ trong nền kinh tế .

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc tuần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% trong 2019, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra cho 2018.

Chuyên đề