Xua đuổi lính Mỹ, Tổng thống Philippines muốn đổi đồng minh lấy danh tiếng

Tổng thống Philippines dường như muốn thu hút sự ủng hộ của dân chúng bằng lập trường độc lập hơn về an ninh với đồng minh chủ chốt Mỹ.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua đã khiến nhiều người bất ngờ, khi tuyên bố muốn toàn bộ lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hỗ trợ quân đội sở tại chống khủng bố ở tỉnh Mindanao phải rút về nước. Các chuyên gia phân tích cho rằng tuyên bố này của ông Duterte có thể đẩy quan hệ Mỹ - Philippines vào tình trạng căng thẳng, nhưng lại mang lại tiếng tăm cho ông trong dân chúng, theo RT.

Theo Joseph Cheng, chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Hong Kong, đây chỉ là một trong những phát ngôn "phi ngoại giao" mà ông Duterte đưa ra gần đây nhắm vào Mỹ, một trong những đồng minh thân cận và lâu đời của Philippines, thể hiện ý muốn bớt lệ thuộc an ninh vào Washington của nhà lãnh đạo mới tại Manila.

Kể từ khi Mỹ rút phần lớn lực lượng quân sự khỏi Philippines vào thập niên 1990, nhiều thành phần trong xã hội Philippines không còn muốn chứng kiến lính Mỹ đóng quân ở nước này, dù chỉ là một lực lượng đặc nhiệm nhỏ hỗ trợ chống khủng bố ở Mindanao. Thế nên, tuyên bố trên của ông Duterte dường như nhằm chiều theo "chủ nghĩa dân tộc" của dân chúng, từ đó thu hút thêm sự ủng hộ và danh tiếng trong giai đoạn mới nắm quyền, Cheng nhận định.

Có vẻ như ông Duterte cũng muốn thi hành một chính sách đối ngoại độc lập hơn, không muốn phụ thuộc quá nhiều vào sự bảo trợ an ninh của Mỹ như những tổng thống tiền nhiệm. Việc giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ sẽ tạo thuận lợi hơn cho Philippines trong các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cũng như cải thiện quan hệ kinh tế song phương và có thể là nhận viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh.

Là một tổng thống vừa mới lên nắm quyền hơn hai tháng, ông Duterte cần có những biện pháp để củng cố và thúc đẩy lòng tin, sự ủng hộ của dân chúng. Về đối nội, ông phát động chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy quy mô lớn, khiến gần 2.000 người chết. Về chính sách đối ngoại, có vẻ như tân Tổng thống Philippines muốn tạo dựng bản sắc và vị thế riêng, đối lập với những người tiền nhiệm, bằng cách thiên về lập trường dân tộc chủ nghĩa, và chấp nhận "gây hiềm khích" với đồng minh Mỹ, ông Cheng nhận định.

Trong cuộc gặp các quan chức cảnh sát và quân đội hôm qua, Tổng thống Duterte tuyên bố ông từ chối gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vì "không muốn bị lên lớp" về vấn đề nhân quyền. Trước đó, ông cũng từng nói là sẽ "chửi thề" nếu ông Obama chỉ trích chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy ở Philippines.

Đe dọa quan hệ đồng minh

Đặc nhiệm Mỹ hỗ trợ quân đội Philippines trong một chiến dịch an ninh. Ảnh: MIO

Các chuyên gia phân tích của tờ MilitaryTimes cho rằng những lời phát ngôn của ông Duterte có khả năng đe dọa đến triển vọng hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines. Tilghman lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Tổng thống Philippines đưa ra lời tuyên bố công khai phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này.

"Duterte đang đặt mối quan hệ đồng minh giữa hai nước vào nguy cơ", Patrick Cronin, giám đốc Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington, cho biết.

Dù cho rằng Mỹ cần phải kiên nhẫn chờ đợi để xem đây chỉ là một tuyên bố bốc đồng hay là chính sách lâu dài của ông Duterte, Cronin vẫn cho rằng Tổng thống Philippines tới đây phải làm rõ hình thức quan hệ mà ông này muốn có với Mỹ. "Nếu cứ nói ra bất cứ điều gì nghĩ ra trong đầu, ông ấy sẽ hủy hoại mối quan hệ đồng minh trước khi nhận ra điều đó", chuyên gia này nói.

Quan hệ quân sự Mỹ - Philippines đã tiến triển tốt đẹp dưới thời ông Beniqno Aquino, tổng thống tiền nhiệm của ông Duterte. Hai nước đã công bố kế hoạch triển khai lực lượng quân sự Mỹ luân phiên tại 5 căn cứ của Philippines, trong bối cảnh tình hình tranh chấp ở Biển Đông ngày càng phức tạp.

Các lãnh đạo quân sự Mỹ coi Philippines là một đồng minh chủ chốt trong việc kiềm chế Trung Quốc cũng như tham vọng lãnh thổ quá đang của Bắc Kinh trên Biển Đông. Đặc nhiệm Mỹ được triển khai đến Mindanao để hỗ trợ quân đội Philippines chống phiến quân Abu Sayyaff ở miền nam từ năm 2002. Lãnh đạo nhóm phiến quân này đã thề trung thành với thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) từ năm 2014.

Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết hai bên vẫn chưa có bất cứ cuộc thảo luận chính thức nào về việc thay đổi nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Mindanao, và đến nay ông Duterte cũng chưa đưa ra bất cứ hạn chót nào cho việc rút quân của lính Mỹ.

Tuy nhiên, các quan chức dân sự và quân sự Mỹ tới đây có thể sẽ gặp gỡ ông Duterte để thảo luận thêm về tương lai quan hệ quân sự giữa hai nước, theo ông Cronin.

"Chúng ta phải ngồi lại với ông ấy và làm rõ mọi thứ mà ông ấy muốn. Nếu ông ấy thực sự muốn Mỹ rút quân khỏi miền nam Philippines, chúng ta sẽ tuân thủ yêu cầu đó", chuyên gia này nhấn mạnh.

Nhưng chuyên gia này chỉ ra một điều rằng nếu đặc nhiệm Mỹ rút đi, quân đội Philippines sẽ gần như "mù" trước các hoạt động của phiến quân Abu Sayyaff ở miền nam cũng như các hoạt động của tàu Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển phía tây bắc, vì họ không có khả năng lắp đặt, vận hành các cảm biến hiện đại để thu thập thông tin tình báo, trinh sát trên phạm vi rộng như lính Mỹ.

Lính Mỹ và cảnh sát biển Philippines tuần tra trên biển. Ảnh: MIO

"Đó là hệ thống thông tin mà chỉ có chúng tôi mới có thể tạo ra cho Philippines. Tôi không nghĩ rằng Tổng thống Duterte thực sự muốn gạt bỏ những lợi ích khi hợp tác với chúng tôi chỉ bằng vài lời buột miệng", Cronin nhấn mạnh.

Chuyên đề