Xiaomi muốn được định giá ít nhất 50 tỷ USD trong đợt IPO

(BĐT) - Tập đoàn Xiaomi, nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc, từng là starup có giá trị lớn nhất thế giới, đang đàm phán với các ngân hàng đầu tư về một đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với hi vọng có thể được định giá ít nhất là 50 tỷ USD.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh đang xem xét IPO vào năm tới và Hong Kong là nơi chào bán theo lời khuyên của một số ngân hàng. Các ngân hàng đầu tư nói nhiều tới triển vọng của Xiaomi, nhưng vẫn còn một số lo lắng về việc liệu giá trị công ty có thể đạt tới mức 50 tỷ USD, thấp hơn so với mức mục tiêu 100 tỷ USD mà ban lãnh đạo muốn hướng tới. Xiaomi được định giá 46 tỷ USD trong lần gần nhất và năm 2014.

Xiaomi đã lấy lại được đà phát triển trong những tháng gần đây sau khi vấp phải sự cạnh tranh của đối thủ trong nước là Huawei và Oppo. Hiện tại, công ty đang trên đà vượt qua cả Samsung tại thị trường Trung Quốc, nơi có thị trường điện thoại thông minh phát triển nhanh nhất thế giới. Một đợt IPO thành công có thể mang lại ít nhất 5 tỷ USD cho Xiaomi.

Kaylene Hong, phát ngôn viên của Xiaomi, cho biết công ty không có bình luận về vấn đề IPO. Trước đó đã có thông tin Xiaomi đang xem xét việc IPO vào nửa cuối năm 2018.

Mặc dù công ty đã trải qua nhiều thăng trầm, mục tiêu 50 tỷ USD vẫn có thể đạt được, tùy thuộc vào hiệu suất kinh doanh và xu hướng của thị trường trong vài tháng tới.

Xiaomi sẽ là công ty công nghệ lớn nhất trở thành công ty đại chúng kể từ khi Tập đoàn Alibaba Group Holding lập kỷ lục 25 tỷ USD với giá thị trường đạt 231,4 tỷ USD vào năm 2014. Snap Inc là công ty có giá niêm yết lớn thứ 2, đạt khoảng 20 tỷ USD.

Keith Pogson, lãnh đạo an ninh toàn cầu cho các ngân hàng và thị trường vốn tại Hong Kong của công ty tư vấn EYY cho biết, “Đây không phải là một sự định giá vô lý. Thị trường đang nóng lên đối với các công ty công nghệ cao, đặcbiệt là các công ty có liên quan tới Trung Quốc”.

Được thành lập vào năm 2010, Xiaomi hay “hạt gạo nhỏ” đã đánh dấu thương hiệu bằng chiến dịch tiếp thị online. Năm 2014, bằng hình thức quảng cáo chớp nhoáng và mạng xã hội đã giúp hãng điện thoại thông minh đứng đầu tại Trung Quốc và đạt được vị trí startup giá trị nhất thế giới trước khi bị Uber vượt qua.

Năm ngoái, Xiaomi đã vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của những đối thủ trong nước. Theo nghiên cứu của IDC, công ty chỉ đứng thứ 5 tại thị trường Trung Quốc trong quý đầu tiên. Oppo và đối tác Vivo đã vượt qua công ty bằng cách phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các nhà bán lẻ ở thị trấn và vùng nông thôn Trung Quốc.

Lei Jun đã khôi phục lại công ty bằng cách mở rộng các dòng sản phẩm, mở rộng phạm vi tiếp cận và các kênh bán hàng. Hiện tại, Xiaomi đang đẩy mạnh việc bán lẻ theo hình thức cũ với mục tiêu xây dựng 1000 cửa hàng “Mi Home” vào năm 2019, nhằm hướng tới mục tiêu doanh số bán lẻ đạt 70 tỷ NDT (10 tỷ USD) vào năm 2021.

IPO thành công có thể giúp “hạt gạo nhỏ” giữ chân các nhân viên ở lại công ty qua thời điểm khó khăn. Trước đó vào tháng 1/2017, Hugo Barra - cựu gián đốc điều hành Google, từng làm việc 3 năm rưỡi tại Xiaomi, đã quay trở lại Thung lũng Silicon để làm việc cho Facebook.

Lei Jun đã đặt cược vào việc mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt tại Ấn Độ. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3, ông cho biết Xiaomi sẽ tăng gấp đôi khoản đầu tư vào thị trường này và sẽ chi thêm 500 triệu USD trong vòng 3-5 năm tới.

Bên cạnh đó, Xiaomi cũng đang tập trung vào các thị trường mới nổi như Nga và Indonesia. Ngoài ra, công ty cho biết họ cũng dự định sẽ thiết lập hiện diện tại Mỹ, nơi có thể bán các thiết bị dây đep theo dõi sức khỏe. Xiaomi đã đặt mục tiêu bán ra 100 triệu chiếc di động thông minh trong năm tới, khôi phục lại mục tiêu mà công ty đã bỏ rơi trong thời điểm khó khăn.

Chuyên đề