Xiaomi mất 40% giá trị vốn hóa kể từ IPO

Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Xiaomi đã giảm 25% xuống mức thấp kỷ lục và đang giao dịch ở mức giá dưới 10 Đôla Hồng Kông...
Xiaomi hiện là hãng smartphone lớn thứ 4 thế giới.
Xiaomi hiện là hãng smartphone lớn thứ 4 thế giới.

Cổ phiếu của nhà sản xuất smartphone Xiaomi, từng được gọi là "Apple Trung Quốc", đang rơi vào cơn bán tháo trong bối cảnh hãng này đối mặt với những thách thức quen thuộc trên thị trường smartphone toàn cầu. 

Theo CNBC, từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Xiaomi đã giảm 25% xuống mức thấp kỷ lục và đang giao dịch ở mức giá dưới 10 Đôla Hồng Kông. Vốn hóa của công ty này hiện ở quanh mức 240 tỷ Đôla Hồng Kông (30 tỷ USD). Xiaomi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông vào tháng 7/2018 và đạt vốn hóa 54 tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu này đang giao dịch với mức giá chỉ bằng 50% mức đỉnh và chỉ có một tháng tăng duy nhất kể từ khi IPO. 

Thị trường smartphone bão hòa

Được thành lập vào năm 2010 tại Bắc Kinh, Xiaomi hiện là hãng smartphone lớn thứ 4 thế giới, sau Huawei, Samsung và Apple. Công ty này chủ yếu tung ra các smartphone giá rẻ và đang mở rộng kinh doanh thiết bị kết nối và dịch vụ.

Những thách thức của Xiaomi hiện tại khá quen thuộc trên thị trường khi sản phẩm tràn ngập các thị trường lớn và chu kỳ nâng cấp thiết bị kéo dài hơn. Trong nhiều tháng qua, các nhà phân tích và quan sát thị trường đều chỉ ra xu hướng này, nhưng vài tuần gần đây có ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư. 

Trong một động thái hiếm hoi, vào đầu tháng 1, Apple đưa ra cảnh báo về doanh số iPhone thấp hơn dự báo, khiến cổ phiếu hãng này có phiên giao dịch tồi tệ nhất 6 năm. Không lâu sau đó, Samsung cũng hạ dự báo kết quả kinh doanh quý do "sự trì trệ và cạnh tranh gay gắt trên thị trường smartphone". 

Hiện tại, 70% doanh thu của Xiaomi vẫn đến từ smartphone, theo dữ liệu từ FactSet. Tỷ lệ này đang giảm dần khi Xiaomi đẩy mạnh các thiết bị kết nối internet vạn vật và những sản phẩm cuộc sống khác. Tuy nhiên, phần lớn doanh thu của hãng này vẫn phụ thuộc vào smartphone. 

Cơn bán tháo 

Cổ phiếu Xiaomi cũng đang trong thời điểm nhạy cảm khi thời hạn phong tỏa 6 tháng sau IPO vừa kết thúc và chứng kiến làn sóng bán ra của các nhà đầu tư. Tuần trước, ngay sau khi thời hạn phong tỏa kết thúc, cổ phiếu này đã có 3 phiên giảm giá gần 17% và khối lượng giao dịch lớn chưa từng thấy kể từ những phiên giao dịch đầu tiên sau IPO. 

Trong phiên ngày 16/1, giá cổ phiếu này giảm 2,6% và khối lượng giao dịch cao hơn 700% so với mức trung bình 30 ngày. 

Mọi thứ trở nền tồi tệ hơn với Xiaomi khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Đây là thị trường chiếm tới 70% doanh thu của hãng này, theo FactSet. Năm 2018, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do chiến dịch giảm nợ xấu và kiểm soát hoạt động cho vay rủi ro ảnh hưởng tới nhu cầu nội địa. 

Căng thẳng thương mại với Mỹ và thuế suất tăng đối với hàng hóa xuất khẩu cũng gây cản trở cho tăng trưởng kinh tế nước này, khiến chính phủ phải tung ra các gói kích thích mạnh tay. 

Từ lâu, Trung Quốc đã là thị trường smartphone lớn nhất thế giới, vì vậy, việc khách hàng tại đây cắt giảm chi tiêu gây ra những tác động không nhỏ. 

Chuyên đề