WSJ: Nhiều đại gia nhòm ngó cổ phần các hãng bia Việt Nam

Các hãng đồ uống hàng đầu thế giới đang xếp hàng để tham gia thị trường bia rất tiềm năng tại Việt Nam và hứa hẹn những thương vụ lớn trong năm 2016.
Chính phủ hiện năm 90% cổ phần Sabeco. Ảnh: Reuters
Chính phủ hiện năm 90% cổ phần Sabeco. Ảnh: Reuters

Chính phủ Việt Nam kỳ vọng huy động được hơn 2 tỷ USD từ việc bán cổ phần lớn trong 2 hãng bia quốc doanh là Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Cổ phần Rượu bia và Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Hiện Nhà nước đang nắm 90% Sabeco và 82% Habeco. Họ sẽ bán dần cổ phần trong 2 năm tới.

Một nguồn tin thân cận cho Wall Street Journal biết những công ty có thể đấu thầu mua số cổ phần này là Thai Beverage và Singha Group của Thái Lan, Kirin Holdings và Asahi Group Holdings của Nhật Bản, Heineken (Đan Mạch) và Anheuser-Busch InBev (Bỉ).

"Đây chính là cơ hội hiếm hoi để mua cổ phần các tên tuổi hàng đầu tại một thị trường có văn hóa uống bia phát triển mạnh", Eugene Gong - Giám đốc Mua bán và Sáp nhập Đông Nam Á tại Deutsche Bank cho biết, "Tôi không ngạc nhiên nếu tất cả hãng bia lớn trên thế giới tham gia thương vụ này".

Habeco và Sabeco là các công ty quốc doanh mới nhất được Chính phủ Việt Nam lên kế hoạch bán bớt cổ phần, nhằm mở cửa nền kinh tế với nhà đầu tư ngoại. Từ đầu năm, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã lên gần 4 tỷ USD. Đây là số liệu cao nhất hơn một thập kỷ qua, khi các công ty từ Nhật Bản đến châu Âu đều nhòm ngó các thương vụ tiềm năng.

Dù 4 tỷ USD khá nhỏ so với các thị trường lớn như Mỹ, đây vẫn là con số lớn với Việt Nam. Nó còn cao hơn gần một phần ba so với số liệu cả năm suốt một thập kỷ qua, theo hãng nghiên cứu Dealogic.

Việc bán cổ phần nhà nước trong Sabeco và Habeco được coi là bài kiểm tra với cam kết đẩy mạnh tư nhân hóa doanh nghiệp quốc doanh của Chính phủ. Bà Luong Thi My Hanh - Giám đốc đầu tư VietFund Management nhận xét việc này "cho thấy sự quyết tâm, không chỉ củng cố cam kết về tính minh bạch, mà còn thực hiện tái cấu trúc kinh tế ở mức toàn diện hơn".

Chính phủ từ lâu đã muốn tư nhân hóa hoặc sáp nhập hàng trăm doanh nghiệp quốc doanh. Họ cũng tăng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực hấp dẫn đầu tư. Việc Vinamilk bỏ trần sở hữu nước ngoài cách đây vài tháng càng khiến nhà đầu tư kỳ vọng các công ty niêm yết khác cũng làm tương tự.

Dù vậy, Việt Nam thường mất khá nhiều thời gian để thực thi các chính sách. Vài năm qua, họ đã nhiều lần hoãn bán cổ phần trong Sabeco. Nhiều nhà đầu tư trong nước cho rằng Chính phủ có ít kinh nghiệm với cổ đông tư nhân và lo ngại bán tài sản nhà nước với giá rẻ.

WSJ nhận định thị trường Việt Nam đang tăng trưởng trong mọi ngành, từ bia đến dịch vụ ngân hàng. Đây là điểm hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, đặc biệt từ Nhật Bản và châu Âu, do thị trường trong nước đã bão hòa.

Việt Nam hưởng lợi từ dân số trẻ và lĩnh vực xuất khẩu bùng nổ. GDP được dự báo tăng 6,7% năm nay, tương đương năm 2015. Hai sàn chứng khoán trong nước cũng nằm trong nhóm tốt nhất châu Á năm nay.

Tháng trước, quỹ đầu tư quốc gia của Singapore đã mua 7,7% cổ phần trong Vietcombank - nhà băng có vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Năm 2015, Singha Group cũng đầu tư tới 1,1 tỷ USD mua cổ phần trong 2 công ty con của Masan - một trong những công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam. 

Chuyên đề