WEF: Trung Quốc có thể kiểm soát được sự thay đổi của nền kinh tế

Tại hội nghị mang tên “Nền kinh tế Trung Quốc đang đi về đâu?” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2016, các chủ tọa bao gồm giám đốc quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Chủ tịch Goldman Sachs Group, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Trung Quốc… nhận định, Trung Quốc đang trải qua rất nhiều những thay đổi, nhưng tất cả vẫn trong tầm kiểm soát.
Các thành viên chủ tọa tại Hội nghị “Nền kinh tế Trung Quốc đang đi về đâu?”
Các thành viên chủ tọa tại Hội nghị “Nền kinh tế Trung Quốc đang đi về đâu?”

Quá trình chuyển tiếp có thể kiểm soát được

Theo giám đốc IMF Christine Lagarde, quá trình chuyển tiếp của nền kinh tế Trung Quốc, từ đầu tư và sản xuất sang dịch vụ và tiêu dùng, là hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Trước đó, trong năm 2015, Trung Quốc đã phá giá kỷ lục đồng nhân dân tệ, thị trường chứng khoán nước này rung lắc dữ dội hồi tháng 8, khiến 5 nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường và hiện tại đang rơi vào thị trường giá xuống (bear market). Việc đồng nhân dân tệ suy yếu đã thúc đẩy dòng tiền chảy ra ngoài Đại lục, đồng thời làm dấy lên nỗi lo ngại đối với các đối tác thương mại toàn cầu rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá nội tệ.

Theo bà Lagarde, “đây là vấn đề về trao đổi thông tin. Bởi việc trao đổi thông tin nhiều hơn, tốt hơn chắc chắn sẽ phục vụ cho quá trình chuyển tiếp tốt hơn”.

Đồng ý với quan điểm này, Gary Cohn, Chủ tịch Goldman Sachs nhấn mạnh: “Việc trao đổi thông tin rất quan trọng ở đây”, đồng thời thúc giục các nhà chính sách Trung Quốc minh bạch các thông tin, đưa quá trình chuyển đổi hướng tới việc thị trường đóng vai trò lớn hơn.

Không hạ giá thêm nhân dân tệ

Trước câu hỏi về khả năng nhân dân tệ tiếp tục bị hạ giá, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Trung Quốc (CSRC) Fang Xinghai cho rằng, “hạ giá nội tệ không phải là vấn đề mà Trung Quốc muốn làm trong chiến lược chuyển tiếp của mình”.

“Tôi hiểu rằng có những mối lo ngại về đồng nhân dân tệ trong năm nay. Chúng tôi không thể để tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức quá chậm, bởi vì sự suy giảm sẽ tạo nên nhiều vấn đề tài chính, vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc sẽ phá giá thêm nhân dân tệ”, Fang Xinghai cho biết.

Dự báo tăng trưởng

Theo báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất được công bố ngày 19/1/2016, IMF đã không thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, duy trì ở mức 6,3%, trong khi hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,4% so với mức 3,6% được đưa ra trước đó.

Theo cơ quan này, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với xu hướng đi xuống, khi các thị trường mới nổi tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc chuyển động lực tăng trưởng từ xuất khẩu và sản xuất sang dịch vụ và tiêu thụ nội địa; đồng thời Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dần thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chuyên đề