WB ngừng cấp vốn cho các dự án dầu mỏ và khí đốt từ năm 2019

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 12/12 tuyên bố sẽ ngừng cấp vốn cho các dự án thăm dò và khai thác dầu mỏ, khí đốt kể từ năm 2019, nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu dịch chuyển theo hướng năng lượng sạch.
Mỏ khí đốt tự nhiên Bắc Rumaila, phía bắc cảng Basra ở miền nam Iraq. (Ảnh: AFP)
Mỏ khí đốt tự nhiên Bắc Rumaila, phía bắc cảng Basra ở miền nam Iraq. (Ảnh: AFP)

Trong tuyên bố đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mang tên "Một Hành tinh" được tổ chức ở Paris của Pháp, WB nhấn mạnh động thái trên sẽ góp phần hối thúc các quốc gia tuân thủ những cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà họ đã nhất trí trong Hiệp định Paris 2015 nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.

Tuyên bố của WB nêu rõ trong những trường hợp ngoại lệ, ngân hàng này sẽ cân nhắc cấp vốn cho các dự án khai thác khí đốt tại các quốc gia nghèo nhất thế giới, nhằm đảm bảo người nghèo cũng được tiếp cận năng lượng.

Tuy vậy, điều đó chỉ được thực hiện khi những dự án này đáp ứng được các cam kết trong Hiệp định Paris. Tuyên bố cũng nhấn mạnh WB đang đi đúng hướng nhằm đạt mục tiêu 28% các khoản cho vay của ngân hàng này vào năm 2020 được chi cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu. 

WB có sứ mệnh cung cấp vốn và các khoản tài chính khác nhằm viện trợ phát triển kinh tế cho các quốc gia đang phát triển. Ngân hàng này cùng Liên hợp quốc và Pháp đồng bảo trợ Hội nghị thượng đỉnh nói trên theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Hội nghị nhằm thảo luận cách thức cấp vốn để khuyến khích các quốc gia hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm, cũng như cách thức hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu như siêu bão, nước biển dâng...

Giới quan sát nhận định sẽ cần phải đầu tư hàng nghìn tỷ USD cho công nghệ năng lượng sạch mới có thể đạt mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris, duy trì mức tăng nhiệt độ của Trái Đất không vượt ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính từ nay đến năm 2050 sẽ cần khoản đầu tư lên tới 3.500 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng sạch để đạt được mục tiêu trên, gấp đôi so với con số chi tiêu hiện nay.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt tài chính lâu nay luôn là một vấn đề gây trở ngại đối với nỗ lực của toàn thế giới nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Tình trạng này trở nên đáng ngại hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris cũng như ngừng góp vốn cho các dự án chống biến đổi khí hậu./.

Chuyên đề