Vụ cá cược khiến chỉ huy tối cao Mỹ mất oanh tạc cơ B-17

Tướng Mỹ Eisenhower từng phải giao một máy bay B-17 cho tướng Montgomery của Anh vì màn cá cược vui của cấp dưới.

Tướng Eisenhower và Montgomery tại Hà Lan

Tướng Dwight D. Eisenhower, chỉ huy tối cao phe Đồng minh trong Thế chiến II và sau này là tổng thống Mỹ, từng mất một oanh tạc cơ B-17 cho vụ cá cược giữa tướng dưới quyền Walter Bedell Smith với tướng Bernard Montgomery của quân đội Anh vào năm 1943, theo War History.

Tướng Montgomery nổi tiếng là người không khéo léo và có kỹ năng ngoại giao hạn chế trong lực lượng quân sự Đồng minh. Theo nhật ký chiến tranh của Alan Brooke, tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, Montgomery thường xuyên bị cấp trên khiển trách vì xử trí tình huống không khéo, cũng như có cái tôi rất lớn, không quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh và tự ý hành động.

Thủ tướng Anh Winston Churchill mô tả Montgomery là người "khi thua vẫn ngoan cố, khi thắng thì không thể chịu nổi", nhưng ông lại nổi tiếng là người lính và lãnh đạo giỏi.

Khác với nhiều tướng lĩnh trong quân đội Anh, Montgomery không có dòng dõi quý tộc. Là con một giám mục đến từ Tasmania, ông nổi bật trong đội ngũ sĩ quan luôn phân biệt đẳng cấp xã hội. Quân đội Anh nhanh chóng nhận ra Montgomery là người có ý chí mạnh mẽ và sắc bén, có khả năng truyền cảm hứng cho binh sĩ dưới quyền, cũng là bậc thầy trong việc đạt được mục tiêu.

Tài năng và hiệu quả chiến đấu giúp Montgomery đảm nhận vị trí cao cấp trong quân đội, nhưng cũng gây ra nhiều mâu thuẫn với các lãnh đạo khác. Năm 1943, tướng Eisenhower là tư lệnh tối cao quân Đồng minh ở Địa Trung Hải và Bắc Âu, còn Montgomery là cấp dưới của ông.

Tướng Eisenhower (trái) và tướng Montgomery (phải) trong một cuộc gặp. Ảnh:War History.

Trong lần đầu hợp tác, va chạm giữa hai tướng thường xuyên xảy ra, khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng và có nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào.

Thêm vào đó, cách cư xử không đúng mực và không đúng thời điểm của Montgomery đã dẫn đến vụ cá cược với một trợ lý của Eisenhower, khiến vị tướng Mỹ sau đó phải đứng ra "thanh toán" cho sự dại dột của cấp dưới.

Khi phe Đồng minh tiến hành chiến dịch Bắc Phi năm 1943, Montgomery cá với Walter Bedell Smith, tham mưu trưởng của Eisenhower, rằng ông có thể chiếm thành phố Sfax vào giữa tháng 4 cùng năm. Smith đùa rằng nếu Montgomery làm được thì ông sẽ tặng vị tướng người Anh một máy bay ném bom B-17 cùng phi hành đoàn. Thời gian trôi qua và Smith quên mất vụ cá cược trong lúc nói vui này.

Tuy nhiên, ngày 10/4, Montgomery đã chiếm được thành phố Sfax như dự tính. Ngay sau đó, ông thông báo cho Smith rằng mình đã thắng cược. Smith nói rằng đó chỉ là câu nói đùa, nhưng Montgomery không chấp nhận và kiên quyết đòi Smith chịu trách nhiệm về vụ cá cược. Tin tức về vụ cá cược và sự cương quyết đòi nợ của Montgomery truyền đến tai Eisenhower, khiến ông rất tức giận.

Eisenhower tỏ thái độ giận giữ ra mặt với Montgomery. Ông triệu tập Alan Brooke, cố vấn của Montgomery, để thuyết phục viên tướng Anh hủy vụ cá cược. Brooke tin rằng ông có thể làm được, qua đó giúp giảm căng thẳng với tướng Eisenhower.

Brooke đến gặp và trách Montgomery về sự dại dột trong cách cư xử của ông. Dù sau đó Montgomery nói lời xin lỗi Brooke, tình hình càng trở nên tệ hơn khi vẫn kiên quyết đòi chiếc B-17 từ vụ cá cược.

Là người có kỹ năng ngoại giao tốt, tướng Eisenhower không bao giờ khiến các đồng minh phật lòng. Ông vẫn quyết định thay mặt cấp dưới giao chiếc oanh tạc cơ B-17 cho Montgomery.

Oanh tạc cơ B-17 tướng Montgomery nhận được sau vụ cá cược. Ảnh:War History.

Niềm vui chiến thắng của Montgomery không kéo dài được lâu. Chiếc B-17 của ông gặp nạn và phải hạ cánh khẩn cấp. Nó bị hỏng nặng tới mức bị loại biên, không bao giờ được sửa chữa hoặc thay thế.

Thế nhưng hậu quả mà vụ cá cược để lại rất nặng nề. Quan hệ giữa Montgomery và Eisenhower trở nên rất căng thẳng, thậm chí thường xuyên đối đầu nhau trong suốt quá trình hợp tác trong lực lượng Đồng minh.

Hành động đòi phần thưởng cá cược của Montgomery chẳng mang lại điều gì, ngoài một khoảnh khắc hài hước trong lịch sử Thế chiến II.

Chuyên đề