Viện trợ nước ngoài giúp Trung Quốc tăng mạnh ảnh hưởng toàn cầu

Từ năm 2000-2014, Trung Quốc đã cung cấp 354,4 tỷ USD viện trợ và dưới dạng hỗ trợ khác cho 140 quốc gia...
Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và Ấn Độ về ảnh hưởng có được từ viện trợ nước ngoài - Ảnh: Reuters/SCMP.
Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và Ấn Độ về ảnh hưởng có được từ viện trợ nước ngoài - Ảnh: Reuters/SCMP.

Chương trình viện trợ nước ngoài khổng lồ của Trung Quốc đã đưa nước này vượt qua Nhật Bản và Ấn Độ, đồng thời rút ngắn khoảng cách với Mỹ về ảnh hưởng toàn cầu từ viện trợ - tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn một báo cáo do các nhà nghiên cứu Mỹ thực hiện cho hay.

Theo dữ liệu từ tổ chức AidData có trụ sở ở Mỹ, từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã tăng từ hạng 29/33 lên hạng 21/35 trong danh sách các nhà tài trợ nước ngoài có ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Bản báo cáo công bố ngày 31/5 cho biết Trung Quốc đã vượt qua vị trí của Nhật Bản (25) và Ấn Độ (24) về ảnh hưởng có được từ viện trợ nước ngoài.

Ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu đã tăng mạnh nhờ Sáng kiến Vành đai - Con đường trị giá 126 tỷ USD mà Chủ tịch nước này Tập Cận Bình khởi xướng. Đây là một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng đường xá, cảng biển và các cơ sở hạ tầng khác kết nối thế giới.

AidData cũng nói rằng Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng cũng giúp nước này tăng ảnh hưởng toàn cầu.

Dù Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách lớn so với Mỹ - quốc gia viện trợ nước ngoài nhiều nhất thế giới và chỉ thua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) về ảnh hưởng viện trợ - Bắc Kinh đang thu hẹp dần khoảng cách với Washington trong lĩnh vực này bởi Tổng thống Donald Trump đang cắt giảm mạnh viện trợ nước ngoài.

Tháng 10 năm ngoái, ông Trump cắt giảm 28% viện trợ ngoại giao và nước ngoài của Mỹ. Từ năm 2000-2014, Trung Quốc đã cung cấp 354,4 tỷ USD viện trợ và dưới dạng hỗ trợ khác cho 140 quốc gia, so với mức 394,6 tỷ USD của Mỹ - theo dữ liệu được AidData đưa ra vào tháng 10 năm ngoái.

"Vẫn còn quá sớm để nói Mỹ sẽ mất ảnh hưởng" từ viện trợ nước ngoài, bà Samantha Custer, Giám đốc phụ trách phân tích chính sách của AidData, nhận định. "Đây luôn là một khái niệm tương đối, và cũng phụ thuộc vào việc các nhà tài trợ khác sẽ làm nhiều lên hay làm ít đi".

Tháng 3 năm nay, Trung Quốc tuyên bố sẽ thành lập Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế để giám sát các chương trình viện trợ nước ngoài của nước này. Giới chuyên gia cho rằng việc thành lập cơ quan này là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ đẩy mạnh viện trợ nước ngoài và chuyên nghiệp hóa chính sách viện trợ nhằm gia tăng ảnh hưởng.

Tuy vậy, theo báo cáo của AidData, Trung Quốc bị xem là còn kém so với các nhà tài trợ khác về cung cấp sự tư vấn cho các quốc gia đang phát triển về chính sách liên quan đến vốn tài trợ và thực thi các chính sách đó. Báo cáo cho thấy Trung Quốc tụt từ hạng 31 xuống hạng 35 về cung cấp sự tư vấn hữu ích cho các nước nhận viện trợ, đứng sau Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IDB) và Tây Ban Nha.

Ngoài ra, việc viện trợ nước ngoài của Trung Quốc tăng chóng mặt cũng đặt ra những lo ngại rằng Bắc Kinh dùng viện trợ như công cụ để gia tăng quyền lực cả cứng và mềm ở nước ngoài, dù Bắc Kinh luôn khẳng định giữ chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Tuy nhiên, bản báo cáo của AidData nói ý tưởng cho rằng "Trung Quốc sắp vượt qua các nhà tài trợ truyền thống" về ảnh hưởng toàn cầu chỉ là một sự "thổi phồng".

Chuyên đề