Vì sao Triều Tiên chần chừ thử hạt nhân lần 6?

Đã có nhiều phỏng đoán về khả năng Bình Nhưỡng có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào dịp diễn ra các ngày lễ lớn của Triều Tiên trong tháng này. Nhưng các ngày lễ lớn đã qua đi mà chưa xảy ra một vụ thử như vậy.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát cuộc tập trận quy mô lớn vào ngày 25/4, đúng dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát cuộc tập trận quy mô lớn vào ngày 25/4, đúng dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Hơn 1 tháng sau khi giới chức Mỹ và Hàn Quốc công khai cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng tiến hành một vụ thử hạt nhân mới và gần 2 tuần kể từ khi giới phân tích nói địa điểm thử hạt nhân duy nhất của Bình Nhưỡng, Punggye-ri, “đã sẵn sàng”, chưa vụ thử nghiệm nào diễn ra.

Với các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa, Triều Tiên đang tiến gần tới mục tiêu phát triển một vũ khí hạt nhân có thể trang bị cho tên lửa có khả năng vươn tới Mỹ.

“Tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 ở một thời điểm nào đó”, CNN dẫn lời chuyên gia về Triều Tiên Jean Lee từ Trung tâm Wilson. “Nhưng họ thường lựa chọn thời điểm rất kỹ càng và đang cân nhắc một số yếu tố”.

Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng quân đội Mỹ đã nhận thấy các hoạt động đáng kể tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên, với một nỗ lực đào xới mới tại lối vào đường hầm. Quan chức này cho hay hoạt động đó cho thấy một vụ thử hạt nhân chưa diễn ra trong tương lai gần.

Những ngày lễ lớn

Các vấn đề trong nước và địa chính trị thường được cân nhắc kỹ càng khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử nghiệm quan trọng. Chúng thường được sử dụng cho mục đích kỹ thuật và chính trị, phô diễn sức mạnh hoặc gửi đi thông điệp với người Triều Tiên và các đối thủ nước ngoài.

Ông Jean Lee cho hay các vụ thử nghiệm của Triều Tiên diễn ra theo các lịch trình có thể đoán được, thường tận dụng tình hình địa chính trị hoặc rơi vào các ngày lễ lớn.

Gần đây, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa hôm 16/4, ngay sau lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành. Cũng đã có nhiều đồn đoán rằng Bình Nhưỡng có thể thử hạt nhân hoặc tên lửa vào dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội (25/4). Thay vào đó, Triều Tiên đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn.

Các nhà phân tích cho rằng dịp kỷ niệm Chiến tranh Triều Tiên vào ngày 25/6 tới đây cũng có thể là dịp cho vụ thử hạt nhân tiếp theo của Triều Tiên.

Vấn đề của việc chú trọng vào sự dập khuôn này là Bình Nhưỡng có thể nhận biết liệu thế giới có đang theo sát và phản ứng kịp thời hay không.

“Nếu các ngày kỷ niệm này đang tác động tới vị trí của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, vấn đề rõ ràng là khi Vinson rời đi, Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân tuần sau đó”, John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul, nói.

Cuộc chơi kéo dài

Bãi thử Punggye-ri nằm ở đông bắc Triều Tiên, nơi đang bị theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh có các đồn đoán rằng Bình Nhưỡng sắp thử hạt nhân lần 6 (Ảnh: VOA)

Một số động thái đã được ghi nhận tại bãi thử Punggye-ri, trong đó có một số trận đấu bóng chuyền. Giới chuyên gia nhận định đây có thể là một phần của cuộc chơi kéo dài.

Các nhà phân tích cho rằng bằng việc đưa bãi thử hạt nhân luôn sẵn sàng và sau đó trì hoãn một vụ thử nghiệm, Triều Tiên khiến cả thế giới phải thấp thỏm.

“Một phần họ muốn làm là thu hút sự chú ý của ông Donald Trump và các lãnh đạo thế giới. Và họ đã làm được điều đó”, chuyên gia Jean Lee nói.

Mục tiêu cuối cùng của Bình Nhưỡng đã rõ ràng: có vũ khí hạt nhân có thể vươn tới Mỹ.

Việc không nói rõ ràng về các khả năng và ý định hiện thời khiến Bình Nhưỡng có lợi thế khi đối phó với các đối thủ, vì không ai ngoài nhóm thân cận của ông Kim Jong-un biết chắc chắn Triều Tiên có thể, không thể hay sẽ làm gì.

Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một chuyến thăm hồi tháng 3/2016 (Ảnh: KCNA)

Ông Michael Hayden, cựu giám đốc CIA, dự báo rằng Triều Tiên sẽ có thể tấn công thành phố Seattle của Mỹ với một vũ khí hạt nhân trang bị cho tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Triều Tiên nói nước này đã đi được nửa đường. Một loạt các bức ảnh được công bố tháng 3/2016 cho thấy ông Kim Jong-un đã thị sát “một vũ khí hạt nhân thu nhỏ”. Điều đó đã dẫn tới nhiều đồn đoán về “vũ khí hạt nhân” này nói riêng và khả năng hạt nhân của Triều Tiên nói chung.

Bình Nhưỡng tuyên bố sau vụ thử hạt nhân thứ 5 hồi tháng 9 năm ngoái rằng nước này đã cho nổ một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể trang bị cho tên lửa, mặc dù các nhà phân tích nói rất khó xác minh điều này.

Việc phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa là bước tiếp theo để Triều Tiên có thể đe dọa đất liền nước Mỹ bằng các vũ khí hạt nhân này.

Chuyên gia Tong Zhao tại Bắc Kinh cho rằng sau 5 vụ thử hạt nhân Triều Tiên có thể đã sở hữu khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để trang bị cho tên lửa.

Các vụ thử nghiệm tiếp theo chỉ là cách thức để tăng sức mạnh hủy diệt của tên lửa chứ không có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu cuối cùng của Bình Nhưỡng.

“Có sức hủy diệt lớn hơn không bổ sung nhiều vào các khả năng răn đe hạt nhân hiện thời”, chuyên gia Zhao nói. “Điều đó có nghĩa là họ có thể hoãn hoặc thậm chí hủy các vụ thử hạt nhân bổ sung và do đó họ có thể sử dụng chúng như đòn bẩy tiềm tàng, hoặc quân bài mặc cả… trong trường hợp chính quyền Trump muốn kết nối”.

Sức ép quốc tế có tác dụng?

Sức ép quốc tế, đặc biệt từ Trung Quốc và Mỹ, có thể là một nhân tố khiến Triều Tiên trì hoãn thử hạt nhân, mặc dù các chuyên gia không chắc chắn, vì Bình Nhưỡng thường phản ứng với sức ép quốc tế và các lệnh trừng phạt bằng sự thách thức.

Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, dường như đã chán với hành động gây bất ổn từ người láng giềng. Các chuyên gia cho rằng nếu Bắc Kinh định tung các biện pháp cứng rắn với Bình Nhưỡng như ngừng xuất khẩu dầu, nền kinh tế của Triều Tiên sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Về phía Mỹ, Tổng thống Trump và chính quyền của ông tuyên bố “mọi phương án đang để ngỏ”, trong đó có phương án quân sự. Mỹ cũng đang đưa các thiết bị quân sự tới khu vực, trong đó có nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson.

Nếu Triều Tiên tin ông Trump nghiêm túc về việc đặt phương án quân sự lên bàn, điều đó có thể buộc ông Kim Jong-un phải vào bàn đàm phán.

Vào năm 1994, ông Kim Nhật Thành được cho là từng tin rằng Mỹ chuẩn bị hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng và điều này đóng vai trò lớn dẫn tới việc nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó phải đồng ý ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân.

Chuyên đề