Vì sao lợi suất trái phiếu Mỹ vượt 3% khiến giới đầu tư “đứng ngồi không yên”?

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm là một mốc tham chiếu cho lãi suất vay vốn trên toàn cầu...
Một tờ trái phiếu kho bạc Mỹ.
Một tờ trái phiếu kho bạc Mỹ.

Tăng mạnh thời gian gần đây, lợi suất (yield) trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, cuối cùng đã vượt mức 3%, cao nhất trong vòng hơn 4 năm.

Được coi là mốc tham chiếu của lãi suất toàn cầu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm luôn có tác động không nhỏ đến tỷ giá đồng USD và giá cổ phiếu ở Phố Wall.

Hãng tin Bloomberg cho biết lợi suất tăng kéo theo lãi suất tăng đối với mọi loại khoản vay ở Mỹ, từ vay thế chấp nhà, vay học tập, vay mua xe… Nhiều chuyên gia nói rằng việc lợi suất vượt 3% là một bước ngoặt mà ảnh hưởng của nó có thể được cảm nhận rõ nét trong nhiều năm.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất, các nhà đầu tư đang nắm giữ những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu và các loại trái phiếu có lợi suất cao đang đứng trước câu hỏi liệu "bữa tiệc" thị trường giá lên kéo dài suốt 9 năm qua ở Phố Wall có thể còn tiếp tục đến bao giờ.

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp và câu trả lời về lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm mà Bloomberg đưa ra:

1. Lợi suất có tầm quan trọng như thế nào?

Lợi suất là thước đo lợi nhuận mà một nhà đầu tư có kỳ thể kỳ vọng khi mua trái phiếu.

Lợi suất được quyết định bởi lãi suất trái phiếu và mức giá mà nhà đầu tư mua trái phiếu đó. Chẳng hạn, khi mua một trái phiếu có lãi suất cuống phiếu (coupon rate) cố định là 2% với mức giá bằng mệnh giá (par value) của trái phiếu đó, thì lợi suất sẽ là 2%.

Nếu nhà đầu tư mua được trái phiếu đó với giá rẻ hơn mệnh giá, thì lợi suất sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu nhà đầu tư mua trái phiếu với giá cao hơn mệnh giá, thì lợi suất sẽ giảm.

2. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm được xác định như thế nào?

Trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ có quy mô 14,9 nghìn tỷ USD, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là mốc tham chiếu. Lợi suất này được xác định dựa trên đợt đấu giá gần nhất của trái phiếu kỳ hạn này - đợt đấu giá gọi là "on-the-run". Đây là thước đo tốt nhất vì thường có mức giá trái phiếu sát hơn với mệnh giá, và lãi suất cuống phiếu gần sát hơn mức lợi suất hiện tại.

Hôm thứ Ba tuần này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt 3% lần đầu tiên sau hơn 4 năm.

3. Vì sao lợi suất tăng?

FED đang trong quá trình nâng lãi suất cho vay ngắn hạn, dựa trên cơ sở nền kinh tế Mỹ mạnh lên. Trước chu kỳ tăng lãi suất này, FED đã giữ lãi suất ở mức gần 0% kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Ba đợt tăng lãi suất trong năm ngoái của FED đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 5 năm tăng đặc biệt mạnh, đồng thời cũng ảnh hưởng đến lợi suất trái phiếu 10 năm, bởi FED được dự báo sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm nay.

Một lý do nữa là lạm phát ở Mỹ đang có những tín hiệu đi lên. Lạm phát tăng xói mòn giá trị khoản lãi cố định mà lãi suất cuống phiếu của trái phiếu mang lại cho nhà đầu tư, dẫn tới việc họ đòi hỏi mức lợi suất cao hơn.

4. Vì sao mốc 3% của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lại là một cột mốc quan trọng?

Từ năm 2011, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm mới có 2 lần vượt mốc này, một cách chóng vánh, vào năm 2013 và 2014. Sau đó, thị trường giá lên của trái phiếu kho bạc Mỹ đã đẩy lợi suất xuống mức thấp kỷ lục.

Ngoài ra, mốc 3% cũng được những nhà đầu tư trái phiếu lừng lẫy như Jeffrey Gundlach của DoubleLine Capital và Scott Minerd thuộc Guggenheim Partners coi như một mốc quan trọng để xác định xem liệu thị trường đầu cơ giá lên (bull market) đã kéo dài suốt 3 thập niên của trái phiếu đã đi đến hồi kết hay chưa.

Còn đối với các nhà phân tích nhìn vào xu hướng thị trường, một khi vượt xa mốc 3,05%, mức đạt được lần gần đây nhất vào năm 2011, lợi suất có thể sụt mạnh trở lại.

5. Ý nghĩa của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm?

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm là một mốc tham chiếu cho lãi suất vay vốn trên toàn cầu. Khi lợi suất này tăng, các công ty sẽ phải trả lãi suất cao hơn khi phát hành nợ, trong khi họ thường được vay với lãi suất thấp trong những năm gần đây. Chính quyền các địa phương ở Mỹ cũng phải vay vốn với lãi suất cao hơn, dẫn tới trở ngại cho các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng.

Người vay thế chấp nhà cũng chịu lãi suất đắt đỏ hơn. Điều tương tự diễn ra đối với các khoản vay mua xe và vay học tập của sinh viên.

6. Lợi suất tăng ảnh hưởng đến cổ phiếu thế nào?

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng được coi là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ đầu tháng 2, trong đó có phiên giao dịch mà chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất trong lịch sử. Sang tháng 3, chứng khoán Mỹ tiếp tục có những phiên "đỏ lửa", nhưng đã ổn định hơn so với tháng 2. Những ngày gần đây, lợi suất tăng tiếp tục gây sức ép giảm điểm lên chứng khoán Mỹ.

Về lý thuyết, lãi suất vay vốn tăng có thể xói mòn lợi nhuận của các công ty. Tuy nhiên, các công ty Mỹ hiện đang hưởng lợi từ chương trình cắt giảm thuế của Chính phủ nước này. Một lĩnh vực mà các nhà đầu tư và phân tích ở Phố Wall đang theo dõi là những cổ phiếu có cổ tức cao, vốn được xem là một kênh đầu tư thay thế cho trái phiếu trong nhiều năm qua, bởi những cổ phiếu này mang lại mức thu nhập cao gần như cố định cho nhà đầu tư.

Giờ đây, khi lợi suất trái phiếu tăng, đuổi kịp mức lợi nhuận mà những cổ phiếu như vậy có thể mang lại, một số nhà đầu tư đã bắt đầu bán ra cổ phiếu để mua trái phiếu.

7. Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

Sự đồng thuận chung hiện nay là lợi suất đã tăng rất cao và rất nhanh. Hơn một nửa trong số 56 nhà phân tích được Bloomberg khảo sát mới đây dự báo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ chốt năm 2018 trong một khoảng 0,25 điểm phần trăm xung quanh mốc 3%, đồng nghĩa với xu hướng giằng co trong biên độ hẹp trong thời gian còn lại của năm.

Những người dự báo lợi suất tăng tin rằng lạm phát tại Mỹ đang bước vào một chu kỳ tăng và nền kinh tế sẽ trở nên nóng hơn. Ngược lại, những người dự báo lợi suất giảm cho rằng FED đang tiến gần tới giới hạn của chu kỳ tăng lãi suất này, bởi nền kinh tế không thể không giảm tốc với mức lãi suất cao hơn.

Chuyên đề