Venezuela - từ đỉnh cao xuống vực thẳm kinh tế

Từng là một trong những quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ cách đây 16 năm, nhưng giờ đây, Venezuela lại là nền kinh tế khó khăn bậc nhất khu vực.
Những người dân bất mãn ủng hộ phe đối lập tại Venezuela.Ảnh: Reuters
Những người dân bất mãn ủng hộ phe đối lập tại Venezuela.Ảnh: Reuters

Mỗi sáng trong tuần, một hàng dài vài chục người chờ trong tuyệt vọng bên ngoài trụ sở của SAIME – cơ quan cấp hộ chiếu của Venezuela. Khi tình trạng thiếu thốn hàng hóa và bạo lực làm cho cuộc sống ngày càng khó khăn, nhiều người dân nước này quyết định nộp đơn xin cấp hộ chiếu để có thể đi đâu đó ra nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết sẽ bị từ chối.

Chính phủ Venezuela đang hết nguyên liệu nhựa ép mỏng để làm loại hộ chiếu mới cho đến tháng 9 tới. “Tôi chỉ được nói rằng tôi phải chờ đợi thêm 8 tháng nữa”, một người nộp đơn thất vọng cho biết và dự định hối lộ 250 USD để rút ngắn thời gian chờ đợi.

Kinh tế Venezuela đã suy giảm 18,6% vào năm ngoái, theo một ước tính của ngân hàng trung ương nước này được Reuters công bố hồi tháng 1/2017. Lạm phát thì lên đến 800%. Tất nhiên, đây chỉ là những con số ước tính và cần xem xét lại. Tuy nhiên, con số chính thức có thể sẽ không bao giờ được công bố do Ngân hàng trung ương Venezuela đã ngừng công khai các số liệu về tình hình kinh tế hơn một năm nay. 

Theo dự báo gần đây của IMF, lạm phát năm 2017 của Venezuela sẽ tăng lên mức 2.200%. Economist Intelligence Unit – một đơn vị thuộc The Economist cho rằng, kinh tế Venezuela sẽ suy giảm 13,7% trong năm 2017. Mức độ suy thoái còn sâu sắc hơn cả Hy Lạp vào thời điểm khủng hoảng đỉnh cao về đồng euro. Năm 2001, Venezuela là quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ nhưng giờ đã thuộc hàng nghèo nhất khu vực này.

Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro đã phản ứng không mấy vui vẻ với những tin xấu và quy trách nhiệm cho các nhóm mafia trong và ngoài nước. Sau khi các thông tin kinh tế bị rò rỉ, ông đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng trung ương - Nelson Merentes từ chức. Ngoài lý do quy trách nhiệm vụ rò rỉ số liệu, nhiều ý kiến cho rằng đây là động thái trừng phạt ông Nelson Merentessau sau nỗ lực phát hành tiền giấy mới bất thành của Chính phủ hồi tháng 12 năm ngoái.

100 bolivar – tờ tiền có mệnh giá cao nhất của Venezuela nay chỉ có giá trị chưa đầy 3 cent trên thị trường chợ đen. Nhiều cửa hàng đôi khi không muốn đếm mà phải dùng cân để cân các cọc tiền. Trong đợt phát hành tiền mới, mệnh giá cao nhất sẽ lên đến 20.000 bolivar. “Lý do phát hành tiền mới được chính phủ Venezuela đưa ra là nhằm trừng phạt việc tích trữ nhưng nó vô nghĩa. Ai sẽ lưu trữ đồng tiền mất giá nhanh nhất thế giới? Thật là một chuyện bi hài.”, The Economist bình luận và cho hay tiền mới sẽ được Chính phủ nước này phát hành vào 20/2 tới.

Sự thay đổi lãnh đạo của Ngân hàng trung ương Venezuela không mang đến tín hiệu gì tốt hơn về chính sách trong tương lai. Thống đốc mới - ông Ricardo Sanguino bị đánh giá là một chuyên gia ít kinh nghiệm về điều hành kinh tế cấp cao. Theo giới quan sát, đội ngũ điều hành hiện nay của nước này vẫn không có khả năng giải quyết các tồn tại cơ bản đẩy Venezuela vào khủng hoảng và kiệt quệ. Các điểm chính yếu bao gồm mất khả năng kiểm soát tỷ giá, giá cả của các mặt hàng thiết yếu làm dẫn đến khan hiếm và tham nhũng; chi tiêu công mất kiểm soát; quốc hữu hóa ngành công nghiệp tư nhân; cướp bóc tại Công ty dầu quốc doanh PDVSA – đơn vị gần như mang lại toàn bộ nguồn doanh thu xuất khẩu cho Venezuela.

Tổng thốngNicolas Maduro tuyên bố năm 2017 sẽ là năm khởi đầu cho trang sử mới về kinh tế của Venezuela.

Tổng thống Maduro đang đặt cược vào 2 lối thoát cho sự bền vững của nền kinh tế và đất nước. Thứ nhất là tình trạng lộn xộn giữa các phe đối lập. Sự chia rẽ trong Liên minh Dân chủ Thống nhất – một liên minh đối lập gồm nhiều đảng – đang không có lối thoát vì thiếu một nhà lãnh đạo đủ tầm, có thể thu hút được lực lượng người nghèo Venezuela bất mãn.

Thứ hai chính là giá dầu. Giá dầu đã phục hồi từ mức 21 đôla một thùng vào năm ngoái lên 45 đôla một thùng. Tuy nhiên, PDVSA hiện được quản lý rất tệ hại và đang phải vật lộn để kiếm lời. Sản lượng dầu của công ty này đã giảm 10% vào năm ngoái và không có khả năng tăng trong 2017. Dự trữ ngoại tệ của Venezuela đang ít hơn 11 tỷ đôla, tài sản dễ bán chỉ chiếm khoảng 1/5. Ông Maduro thề rằng năm 2017 sẽ là năm khởi đầu cho trang sử mới của kinh tế Venezuela. “Điều đó vẫn không làm hàng người xếp xin cấp hộ chiếu ngắn lại.”, The Economist kết luận.

Chuyên đề