Venezuela rơi vào “tê liệt” sau khi đổi tiền

Người dân và các doanh nghiệp Venezuela chưa biết nên làm gì tiếp theo sau cuộc đổi tiền...
Hai người phụ nữ trên đường phố Caracas ngày 21/8 đang xem những đồng Bolivar mệnh giá mới - Ảnh: Reuters.
Hai người phụ nữ trên đường phố Caracas ngày 21/8 đang xem những đồng Bolivar mệnh giá mới - Ảnh: Reuters.

Venezuela rơi vào tình trạng "tê liệt" trong ngày thứ Ba, khi người dân và các doanh nghiệp nước này chưa biết nên làm gì tiếp theo sau cuộc đổi tiền trước đó một ngày.

Theo tin từ BBC, hàng nghìn cơ sở kinh doanh đóng cửa để có thời gian thích nghi với "đồng Bolivar chủ quyền" mới được phát hành, trong khi nhiều công nhân viên chọn cách ở nhà thay vì đến nơi làm việc.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela cho phát hành loạt tiền mới với tên gọi "Bolivar chủ quyền", giảm 5 số 0 trên mệnh giá đồng tiền so với đồng Bolivar cũ - đồng tiền được gọi là "Bolivar mạnh".

Chính phủ Venezuela nói rằng đổi tiền là cách để chống siêu lạm phát, nhưng giới phê bình dự báo động thái này sẽ khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Những đồng tiền với mệnh giá mới chính thức được đưa vào lưu thông ngày thứ Ba.

Phóng viên BBC tại thủ đô Caracas nói rằng các đường phố ở thành phố này vắng ngắt vào ngày thứ Ba, một ngày làm việc bình thường. Trước đó, ngày thứ Hai được ông Maduro cho nghỉ làm toàn quốc để phục vụ việc đổi tiền.

Phe đối lập đã kêu gọi đình công vào ngày thứ Ba để phản đối việc đổi tiền, nhưng nhiều người Venezuela không đi làm không phải vì đình công vì họ cảm thấy mọi thứ bấp bênh, không biết rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu.

Với mệnh giá mới của đồng Bolivar, một cốc cà phê ở Caracas hiện có giá 25 Bolivar, thay vì 2,5 triệu Bolivar như trước kia. Tuy nhiên, nhiều người ở Caracas nói rằng họ chỉ rút được tối đa 10 Bolivar mệnh giá mới từ các máy ATM vào ngày thứ Ba.

Trong một diễn biến khác, Venezuela đã hứng một trận động đất mạnh 7 độ richter ở khu vực bờ biển phía Bắc. Tuy nhiên, không có thông tin nào về thương vong trong trận động đất này.

Thị trường "chợ đen" USD của Venezuela cũng "đóng băng" trong ngày thứ Ba do các hiệu thu đổi ngoại tệ và khách hàng hoang mang về việc đổi tiền và sự bấp bênh quá lớn của nền kinh tế.

Đợt cải tổ tiền tệ này của Venezuela cũng bao gồm neo buộc tỷ giá đồng Bolivar và đồng tiền ảo Petro do Chính phủ Venezuela phát hành. Ông Maduro nói đồng Petro dựa trên trữ lượng dầu lửa của Venezuela.

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đã cấm công dân nước này giao dịch đồng Petro. Một trang web về tiền ảo có tên ICOindex.com thậm chí gọi đồng Petro là "một chương trình lừa đảo".

"Neo buộc đồng Bolivar vào đồng Petro đồng nghĩa với neo buộc Bolivar vào không gì cả", nhà kinh tế học Luis Vicente Leon nhận định.

Chuyên đề