Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ thấp nhất gần 50 năm

Tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm xuống mức 3,7%, thấp nhất kể từ tháng 12/1969...
Các dữ liệu thống kê cho thấy thị trường việc làm Mỹ tiếp tục thắt chặt, với tốc độ tuyển dụng vượt tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động, thậm chí có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng thiếu lao động.
Các dữ liệu thống kê cho thấy thị trường việc làm Mỹ tiếp tục thắt chặt, với tốc độ tuyển dụng vượt tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động, thậm chí có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng thiếu lao động.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell từng nói rằng mối liên hệ tỷ lệ nghịch giữa thất nghiệm và lạm phát có thể đang lắng xuống thay vì trỗi dậy. Theo hãng tin Bloomberg, việc tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 48 năm sẽ là một "bài kiểm tra" đối với đánh giá mà ông Powell đưa ra.

Thống kê do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 5/10 cho thấy trong tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm xuống mức 3,7%, thấp nhất kể từ tháng 12/1969.

Tiền lương theo giờ trung bình của người lao động Mỹ trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức tăng 2,9% đạt được vào tháng 8. Số lượng việc làm mới được tạo ra trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng 9 chỉ đạt 134.000, thấp hơn dự báo, do ảnh hưởng của bão Florence.

Những dữ liệu trên cho thấy thị trường việc làm Mỹ tiếp tục thắt chặt, với tốc độ tuyển dụng vượt tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động, thậm chí có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng thiếu lao động. Tuy nhiên, tình trạng tích cực này vẫn chưa đủ để tiền lương tăng tốc mạnh.

Nhiều phân tích cho rằng, những tháng sắp tới sẽ cho thấy tiền lương và giá cả rốt cục có tăng lên như một phản ứng đối với tỷ lệ thất nghiệp thấp lịch sử. Ông Powell từng nói ông không kỳ vọng điều đó sớm xảy ra.

"Báo cáo việc làm đang ngày càng được xem như một báo cáo lạm phát", chuyên gia kinh tế cao cấp Russell Price thuộc Ameriprise Financial nhận định. Tuy nhiên, ông Price cũng nói "bức tranh lớn sẽ làm dịu đi nỗi lo về lạm phát. Tiền lương chỉ tăng nhẹ chứ không tăng mạnh, và điều này sẽ giữ FED duy trì đường đi lãi suất như hiện nay, tức là mỗi quý nâng lãi suất một lần".

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nhận định việc thị trường việc làm thắt chặt sớm muộn gì cũng buộc các nhà tuyển dụng phải tăng lương, kéo theo áp lực lạm phát tăng. Hiện đã có một số công ty Mỹ bắt đầu nâng lương để thu hút hoặc giữ chân người lao động, trong số đó có hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ Amazon.

Sau khi báo cáo việc làm được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lập đỉnh mới của 7 năm vì nhiều nhà giao dịch dự báo tình hình này của thị trường việc làm "dọn sạch" đường cho việc FED nâng lãi suất.

"Tôi xem đây là một báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã có đủ việc làm", giáo sư kinh tế học Alan Krueger thuộc Đại học Princeton phát biểu. "Điều đó sẽ củng cố chủ trương nâng lãi suất của FED".

Chuyên đề