Tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone xuống mức thấp nhất trong 9 năm

Theo các số liệu được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 9/1, tỷ lệ thất nghiệp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế khu vực đang phục hồi mạnh mẽ.
Một văn phòng tuyển dụng ở Tây Ban Nha. (Nguồn: Getty Images)
Một văn phòng tuyển dụng ở Tây Ban Nha. (Nguồn: Getty Images)

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực Eurozone đã giảm xuống mức 8,7% trong tháng 11/2017, đúng như dự báo của các chuyên gia và thấp hơn mức 8,8% trong tháng 10/2017.

Trong khi đó, tỷ lệ này tại toàn khu vực Liên minh châu Âu trong tháng 11/2017 là 7,3%, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2008.

Eurostat nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp của toàn bộ các thành viên EU đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Hy Lạp và Bồ Đào Nha là hai quốc gia có tỷ lệ giảm mạnh nhất.

Đây cũng là hai nước bị ảnh hướng lớn nhất trong cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp vẫn ở mức cao là 20,5% trong tháng 9/2017, trong khi con số này ở Tây Ban Nha và Italy lần lượt là 16,7% và 11%.

Tại Đức và Hà Lan, tỷ lệ này là khá thấp với mức 3,6% và 4,4% trong tháng 11/2017.

Các số liệu tích cực trên được công bố sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo đang giảm bớt sự hỗ trợ quy mô lớn cho khu vực đồng tiền chung gồm 19 thành viên này do nền kinh tế đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng và đang phục hồi tốt.

Tuy nhiên, ECB vẫn tỏ ra quan ngại về mức lạm phát thấp trong Eurozone, khi bức tranh việc làm tươi sáng đáng lẽ sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu và khiến hàng hóa tăng giá.

Việc lạm phát Eurozone giảm xuống mức 1,4% trong tháng 12/2017, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%, đã buộc Chủ tịch ECB Mario Draghi phải trấn an các nhà đầu tư rằng giai đoạn lãi suất thấp chưa hoàn toàn kết thúc.

Năm 2013, khi EU rơi vào khủng hoảng nợ, tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức kỷ lục là 12,1%. Kể từ thời điểm đó, tình hình kinh tế của khu vực này đã dần cải thiện nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn số liệu trung bình trước khi xảy ra khủng hoảng là 7,5%.

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Paris dẫn thông báo của Hải quan Pháp cho biết thâm hụt thương mại của nước này đã tăng từ mức 5,3 tỷ euro (6,3 tỷ USD) trong tháng 10/2017 lên mức 5,7 tỷ euro (6,84 tỷ USD) trong tháng 11/2017, qua đó nâng tổng mức thâm hụt thương mại từ đầu năm ngoái đến tháng 11 vừa qua lên tới 59,7 tỷ euro (79,2 tỷ USD).

Như vậy, thâm hụt thương mại cả năm 2017 của Pháp chắc chắn sẽ vượt ngưỡng 60 tỷ euro (71,6 tỷ USD) và là mức gia tăng thâm hụt thương mại lớn nhất của Pháp kể từ năm 2013. Thâm hụt thương mại năm 2016 của Pháp là 48,1 tỷ euro (57,4 tỷ USD).

Hai nguyên nhân khiến thâm hụt thương mại tháng 11 của Pháp tăng mạnh là do xuất khẩu giảm tới 1,6% và việc gia tăng chi phí đầu vào của các nguồn năng lượng tự nhiên nhập khẩu do ảnh hưởng của giá dầu thế giới tăng trở lại./.

Chuyên đề