Trung Quốc nói không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ

“Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn lợi ích của mình tổn thất”...
Trung Quốc sở hữu một ngành công nghiệp thép khổng lồ - Ảnh: Reuters.
Trung Quốc sở hữu một ngành công nghiệp thép khổng lồ - Ảnh: Reuters.

Trung Quốc không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ nhưng sẽ bảo vệ lợi ích của mình, một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc tuyên bố ngày 4/3, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch đánh thuế mạnh tay đối với nhôm và thép nhập khẩu.

Theo hãng tin Reuters, hôm thứ Sáu, ông Trump thể hiện thái độ cứng rắn, nói rằng chiến tranh thương mại là tốt về dễ thắng. Trước đó, vào hôm thứ Năm, ông nói Mỹ sẽ đánh thếu 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gia tăng kể từ khi ông Trump lên cầm quyền vào năm 2017. Mặc dù Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ lượng thép nhập khẩu của Mỹ, ngành công nghiệp thép mở rộng ồ ạt của Trung Quốc có vai trò lớn trong việc dẫn tới tình trạng thừa thép trên toàn cầu, khiến giá thép giảm xuống.

Trong một cuộc họp báo trước thềm kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Yesui nói các cuộc đàm phán và mở cửa thị trường cho nhau là cách tốt nhất để giải quyết xung đột thương mại.

"Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn lợi ích của mình tổn thất", ông Zhang, người cũng là phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc và từng là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, phát biểu.

"Nếu các chính sách được đưa ra trên cơ sở đánh giá hoặc tính toán sai lầm, thì chính sách đó sẽ làm phương hại đến quan hệ song phương và gây ra những hậu quả mà cả hai nước đều không mong muốn", ông Zhang nói.

Ông Trump nói việc đánh thuế thép và nhôm như vậy sẽ bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ảnh hưởng từ việc giá thép và nhôm tăng lên đối với các ngành sử dụng các mặt hàng này làm nguyên liệu đầu vào - như ôtô và dầu khí - sẽ gây mất việc làm nhiều hơn số việc làm được tạo ra nhờ biện pháp hạn chế nhập khẩu này.

Tuy nhiên, Reuters cho biết đang có một sự đồng thuận gia tăng giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, muốn Chính phủ nước này đáp trả điều mà nước Mỹ cho là chính sách công nghiệp không bình đẳng của Trung Quốc.

Kể từ khi lên cầm quyền, ông Trump đã nỗ lực tìm cách giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Hiện chính quyền Trump đang thực hiện một cuộc điều tra về sở hữu trí tuệ đối với Trung Quốc và cuộc điều tra này có thể dẫn tới việc ông Trump tung lệnh trừng phạt thương mại đối với Bắc Kinh.

Chính quyền Trump cũng đã nói Mỹ sai lầm khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, xét trên phương diện Mỹ chưa thể buộc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế một cách thực sự.

Nguồn tin ngoại giao và doanh nghiệp Mỹ nói rằng Mỹ gần như đã đóng băng một cơ chế đàm phán chính thức về tranh chấp thương mại với Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh không thực hiện những lời hứa về nới lỏng hạn chế thị trường.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc có một số lựa chọn để đáp trả Mỹ trong vấn đề thuế thép và nhôm, bao gồm hạn chế nhập khẩu đậu tương Mỹ hoặc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ. Các đối tác thương mại cung cấp nhiều thép cho Mỹ như Canada, Brazil và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cảnh báo sẽ đáp trả mạnh tay đối với động thái của chính quyền Trump.

Chuyên đề