Trung Quốc “nổi đóa” với Mỹ vì lệnh trừng phạt nhằm vào Iran

Trung Quốc ngày 6/2 đã lên tiếng phản đối việc Mỹ đưa các thực thể và cá nhân Trung Quốc vào danh sách trừng phạt mới của Washington do liên quan đến chương trình tên lửa của Iran.
Tên lửa tầm xa S-200 được phóng tại thành phố Bushehr, Iran (Ảnh: Independent)
Tên lửa tầm xa S-200 được phóng tại thành phố Bushehr, Iran (Ảnh: Independent)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/2 đã công bố lệnh trừng phạt nhằm vào 25 cá nhân và thực thể liên quan tới Iran. Các biện pháp trừng phạt được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Nhà Trắng liệt Iran vào diện “cần chú ý” do vụ thử tên lửa đạn đạo của nước này. Trong danh sách của Mỹ có 2 công ty và 3 cá nhân Trung Quốc nhưng chỉ một người trong số này được công bố danh tính là Qin Xianhua.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm nay 6/2 cho biết Bắc Kinh đã gửi ý kiến phản đối tới Washington vì cho rằng lệnh trừng phạt trên “không giúp ích” cho việc thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước, đặc biệt trong trường hợp gây tổn hại đến lợi ích của bên thứ 3.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ hành động trừng phạt đơn phương nào”, Reuters dẫn lời ông Lục nói.

Những cá nhân và thực thể nằm trong danh sách đen của Washington sẽ không được phép tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ cũng như có quan hệ làm ăn với các công ty của nước này. Ngoài ra, họ cũng có thể nhận hình phạt thứ cấp, đồng nghĩa với việc các công ty và cá nhân nước ngoài cũng không được phép làm ăn với họ. Nếu các công ty và cá nhân nước ngoài nào cố tình vi phạm, họ cũng lập tức bị đưa vào danh sách đen của Mỹ.

Trong khi đó, người đại diện của hai công ty Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ ngày 5/2 cho biết họ chỉ xuất khẩu những hàng hóa “bình thường” tới Iran và không nhận ra điều bất kỳ sai phạm nào.

Trước đó, Bắc Kinh từng tỏ ra “nóng mặt” với những lệnh trừng phạt đơn phương do Mỹ áp đặt lên các doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến chương trình hạt nhân đầy tham vọng của Iran và Triều Tiên. Bắc Kinh có mối quan hệ ngoại giao và kinh tế thân thiết với Tehran, và cũng là nhân tố thúc đẩy việc thông qua thỏa thuận quan trọng trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran hồi năm 2015. 

Chuyên đề