Trung Quốc đang bơm 'núi tiền' vào nền kinh tế

Trung Quốc gần đây bơm ra cả trăm tỷ USD để cải thiện tâm lý thị trường, khi nước này đang chật vật cân bằng giữa tăng trưởng và kiểm soát nợ.
Trung Quốc đang bơm tiền để kiểm soát lãi suất chính phủ. Ảnh:Reuters
Trung Quốc đang bơm tiền để kiểm soát lãi suất chính phủ. Ảnh:Reuters

Tuần trước, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm ra số tiền mặt tổng cộng 810 tỷ NDT (122,4 tỷ USD) trong 5 ngày liên tục. Đây là một phần nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đang ở mức kỷ lục.  

“Lãi suất trái phiếu chính phủ tăng đang khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu. Vì vậy, để ngăn lãi này tăng thêm, họ bơm thêm thanh khoản vào hệ thống để cải thiện tâm lý thị trường”, Ken Cheung - chiến lược gia ngoại hối tại Mizuho Bank nhận xét.

Các nhà phân tích tại Nomura nhận định biến động trên thị trường trái phiếu gây ra bởi tâm lý lo ngại Bắc Kinh siết chặt chính sách quản lý. Lãi suất trái phiếu của Trung Quốc đã chạm 4% lần đầu trong 3 năm. Lãi này tăng có thể kéo chi phí đi vay nói chung của Trung Quốc lên cao, khiến tình hình nợ nần của nước này càng tồi tệ.

Chỉ trong 2 ngày đầu tuần này, PBOC đã bơm ròng thêm 30 tỷ NDT (4,5 tỷ USD). Hôm qua, họ không tăng cung tiền nữa. Giới phân tích cho rằng động thái này có lẽ do nhận thấy tâm lý thị trường đã bình ổn. Tuy nhiên, sự ổn định này có thể không kéo dài lâu.

Lãi suất trái phiếu 10 năm tại Trung Quốc vẫn gần ngưỡng tâm lý quan trọng (4%). Cheung dự báo nước này sẽ còn bơm thêm nếu cần thiết, do Bắc Kinh cần “duy trì thanh khoản để xoa dịu thị trường”.

Nhiều nhà đầu tư tin rằng rủi ro tài chính tại Trung Quốc được kiểm soát nhờ chính sách can thiệp mạnh tay từ trên xuống. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhì thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro từ bên ngoài, có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng.

Một trong các nguyên nhân là cung tiền của nước này đang tăng rất nhanh, trong khi dự trữ ngoại hối gần như đứng yên. “Khi dự trữ ngoại hối không đổi, tỷ lệ của nó trên cung tiền đã giảm từ 40% cách đây 5 năm xuống 10% hiện tại”, Victor Shih - chuyên gia Trung Quốc tại UC San Diego cho biết.

Dự trữ ngoại hối là công cụ chính để quản lý tỷ giá - vấn đề quan trọng với Trung Quốc. Theo thời gian, khi tỷ lệ này đi xuống, cơ quan quản lý tỷ giá sẽ càng khó phản ứng khi dòng vốn rút ra. Bắc Kinh thường giữ ổn định nội tệ bằng cách tung dự trữ ngoại hối để mua NDT trên thị trường thế giới. Vì vậy, dự trữ có thể hết nhanh chóng.

Việc này sẽ khiến nền kinh tế lớn nhì thế giới dễ bị tổn thương từ các tác động bên ngoài. Đây là điểm yếu lớn của Trung Quốc, đặc biệt nếu có việc gì xảy ra, như Fed nâng lãi suất liên tục”, Shih cảnh báo.

Chuyên đề