Trung Quốc có thể ngừng rót tiền vào Thung lũng Silicon sau vụ Huawei

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được dự báo có thể phát triển thành một "cuộc chiến công nghệ" trong tương lai. 
Gian hàng của Huawei tại triển lãm công nghệ CES hồi tháng 6 ở Trung Quốc. Ảnh:Reuters
Gian hàng của Huawei tại triển lãm công nghệ CES hồi tháng 6 ở Trung Quốc. Ảnh:Reuters

Đại gia công nghệ Trung Quốc - Huawei đang bị một số chính phủ phương Tây hạn chế hoạt động, trong bối cảnh sản phẩm hãng này bị lo ngại có thể dùng để do thám. Giám đốc Tài chính hãng này - Mạnh Vãn Chu vẫn đang bị giữ tại Canada và có thể bị dẫn độ sang Mỹ. 

Việc này diễn ra đúng thời điểm Mỹ và Trung Quốc mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại mà nhiều nhà quan sát cho rằng có thể phát triển thành một "cuộc chiến công nghệ". "Tâm lý thực sự đã thay đổi. Vì cuộc chiến công nghệ là cuộc chiến có sự liên quan chặt chẽ nhất, khi dòng vốn của Mỹ đang đi tới mọi nơi và Trung Quốc cũng vậy", Zhumin - cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - Zhu Min cho biết trên CNBC, "Nhưng tôi có thể nói rằng sau vụ Huawei, toàn bộ tiền của người Trung Quốc đổ vào Thung lũng Silicon sẽ dừng lại. Và tiền của Mỹ cũng sẽ không muốn đổ vào Trung Quốc nữa đâu".

Là một trong các hãng smartphone hàng đầu thế giới, Huawei cũng là cái tên dẫn đầu về hạ tầng viễn thông, đặc biệt là công nghệ 5G. Tuy nhiên, mối lo an ninh với công nghệ Huawei đã tăng lên vài tuần gần đây, đặc biệt tại Mỹ, Canada, Đức, Anh và Australia. Một trong các trọng tâm cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc cũng là cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp công nghệ. Đây là điều Bắc Kinh vẫn luôn phủ nhận.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), Chủ tịch Huawei - Liang Hua cho biết công ty ông có thể rời các nước phương Tây nếu tiếp tục bị hạn chế. Ông cũng khẳng định Huawei tuân thủ luật pháp tại mọi quốc gia họ hoạt động.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có khả năng ngừng đầu tư vào Thung lũng Silicon hay không, John Zhao - nhà sáng lập kiêm CEO Hony Capital cho biết: "Nếu nhìn vào số liệu, có vẻ việc đó là sự thật. Tuy nhiên, nó cũng thấy điều sâu xa hơn. Đầu tiên là thế giới đang phụ thuộc lẫn nhau. Thứ hai là dù phải giải quyết một số thiệt hại ngắn hạn, chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn nữa".

Baidu, Alibaba và Tencent nằm trong nhóm nhà đầu tư lớn nhất vào Thung lũng Silicon. Tencent có 40% cổ phần tại Epic Games - công ty đằng sau game đình đám Fortnite. Baidu cũng có phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) tại đây.

Trung Quốc đã công khai ý định trở thành nước dẫn đầu thế giới về công nghệ trong thập kỷ tới. Họ đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các công nghệ như AI và xe tự lái.

Dù vậy, các chính phủ phương Tây vẫn lo ngại quan hệ giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc. Khi được hỏi liệu Huawei có phải mối đe dọa với phương Tây, Bộ trưởng Quốc phòng Austsralia - Steven Ciobo cho biết: "Australia không cho phép Huawei tham gia vào mạng 5G trong nước. Điều này nói lên phần nào điểm yếu cố hữu của Huawei mà chúng tôi lo ngại. Nếu không có lý do, chúng tôi sẽ không quyết định như vậy".

Chuyên đề