Trump không giúp Mỹ tiết kiệm chi phí mua tiêm kích F-35

Những máy bay F-35 Trump vừa thỏa thuận mua của Lockheed Martin chỉ là những mẫu chưa hoàn thiện, có thể ngốn thêm tiền nâng cấp khi chương trình hoàn tất.
Tiêm kích thử nghiệm F-35 phóng tên lửa AMRAAM. Ảnh:USAF
Tiêm kích thử nghiệm F-35 phóng tên lửa AMRAAM. Ảnh:USAF

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước công bố thỏa thuận mới với Lockheed Martin, được cho là giúp giảm 600 triệu USD từ hợp đồng mua tiêm kích tàng hình F-35. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự tỏ ra hoài nghi về khoản tiết kiệm thực sự sau thỏa thuận này, theo War Is Boring.

"Đây được coi là thắng lợi với những người từng lo ngại về chi phí mất kiểm soát của chương trình F-35, nhưng khoản tiết kiệm này không hề tồn tại. Thậm chí, người dân Mỹ sẽ phải chi trả nhiều hơn cho các chiến đấu cơ chưa qua kiểm chứng trong tương lai", Dan Grazier, học giả thuộc Dự án Giám sát cải cách quân đội Straus nói.

"Cái gọi là khoản tiết kiệm như đã công bố vẫn thấp hơn một chút so với mức chiết khấu tỷ giá USD cho việc mua sắm 90 máy bay sắp tới. Nếu sự 'nhượng bộ' này dựa trên việc dùng tiền đóng thuế của người dân cho việc mua sắm trong nhiều năm, nó sẽ chỉ gây lãng phí nguồn tài trợ công cho chương trình này", Grazier nhận định. 

Một trong những vấn đề cơ bản nhất là Lockheed Martin chưa hoàn thành quá trình phát triển F-35. Dù thủy quân lục chiến và không quân Mỹ tuyên bố biến thể F-35 của họ đã đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu, loại máy bay này vẫn chưa thể thực hiện mọi nhiệm vụ mà Lầu Năm Góc kỳ vọng.

Điển hình cho những hạn chế của tiêm kích F-35 là phản ứng của cơ quan thử nghiệm hàng đầu thuộc Lầu Năm Góc hồi tháng 8/2016.

"Nếu sử dụng trong chiến đấu, F-35 cấu hình Block 3i sẽ cần hỗ trợ để xác định và tránh các mối đe dọa mới, cũng như khóa mục tiêu và tấn công đội hình chiến đấu cơ địch do không có hiệu suất vượt trội và vũ khí hạn chế", Michael Gilmore, giám đốc Cơ quan Thử nghiệm Vận hành và Đánh giá cho hay.

Lockheed Martin có thể cần thêm 3 năm để hoàn thành quá trình phát triển F-35. Việc thử nghiệm khả năng tác chiến thực tế sẽ mất thêm 4 năm nữa, tùy thuộc vào thời gian để các chuyên gia đánh giá, khắc phục và tái kiểm tra các lỗi mới phát sinh. Như vậy, cho đến năm 2024, vẫn chưa thể biết chắc rằng liệu F-35 có thể chiến đấu trong thực tế hay không.

Máy bay F-35C của hải quân Mỹ. Ảnh:War is Boring.

Trong thời gian này, Lầu Năm Góc sẽ phải mua các chiến đấu cơ chưa hoàn thiện. Tất cả số máy bay này sẽ phải đưa trở lại nhà máy để nâng cấp khi quá trình phát triển hoàn tất, khiến người dân Mỹ phải trả khoản chi phí khổng lồ.

"Vấn đề trong thỏa thuận này là các máy bay đã và sẽ mua trong tương lai gần chỉ là nguyên mẫu đang trong quá trình phát triển, có rất ít khả năng hữu dụng trong chiến đấu. Điều này khiến người dân Mỹ tốn hàng tỷ USD tiền thuế cho việc điều chỉnh và thay đổi thiết kế", Grazier giải thích.

Dự án Giám sát Chính phủ (POGO) tin rằng việc mua tiêm kích F-35 cần dừng lại cho đến khi chương trình này hoàn tất quá trình đánh giá vận hành ban đầu. "Chỉ tới khi đó, các nhà hoạch định chính sách mới có thông tin cần thiết để đi đến quyết định mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân Mỹ", Grazier khẳng định.

Chuyên đề