Trọng dụng nhân tài: Bí kíp thành công chưa bao giờ cũ

(BĐT) - Có một điểm chung dễ nhận thấy tại các nền kinh tế phát triển, hoặc đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và là điểm sáng trong khu vực, đó là các chính sách trọng dụng nhân tài.
Châu Âu đang là trung tâm tập trung của các tài năng hàng đầu thế giới
Châu Âu đang là trung tâm tập trung của các tài năng hàng đầu thế giới

Châu Âu giữ ngôi vương

Đầu tháng 12/2018, Viện nghiên cứu quốc tế về Quản lý phát triển (IMD) đã công bố Bảng xếp hạng thường niên World Talent Ranking 2018 với mục tiêu đánh giá việc các quốc gia phát triển, thu hút và giữ chân lực lượng lao động chất lượng cao. Bảng xếp hạng vinh danh 31 quốc gia làm tốt nhất trong việc phát triển, thu hút và giữ chân các tài năng.

Dễ nhận thấy, khu vực phía Tây châu Âu đang dẫn đầu trong vai trò là trung tâm tập trung của các tài năng hàng đầu thế giới, vượt trội hơn hẳn so với các khu vực còn lại trên toàn cầu. 9 quốc gia châu Âu nằm trong Top 10 về thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài, trong khi cả Mỹ và Anh, quê nhà của Top 10 trường đại học danh tiếng nhất thế giới không hề có mặt.

“Các quốc gia này có mức độ đầu tư rất cao vào giáo dục và chất lượng cuộc sống. Nhờ vậy, họ được hưởng lợi với các kết quả từ một hệ thống giáo dục chất lượng tốt, cũng như khả năng phát triển của nguồn nhân lực”, Arturo Bris, Giám đốc Trung tâm Cạnh tranh toàn cầu thuộc IMD nhận định.

Tại châu Á, Singapore (thứ 13), Hồng Kông (thứ 18) và Malaysia (thứ 22) là các nền kinh tế được đánh giá cao nhất về phát triển và trọng dụng nhân tài. Trong khi Singapore và Hồng Kông tập trung vào việc thu hút nhân sự chất lượng cao từ thị trường quốc tế tới làm việc và sinh sống tại đây, thì Malaysia đang theo đuổi chiến lược mạnh tay đầu tư cho giáo dục và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động nội địa. Một số đại diện đáng chú ý khác của châu Á là Đài Loan (thứ 27) và Nhật Bản (thứ 29).

Thực tế, các quốc gia và nền kinh tế có thứ bậc cao trong bảng xếp hạng thu hút, phát triển, và giữ chân nhân tài cũng là những nền kinh tế phát triển ở mức cao, hoặc đang phát triển và là “ngôi sao sáng” tại khu vực. Như vậy, bảng xếp hạng này đã một lần nữa nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc trọng dụng nhân tài - bí kíp thành công chưa bao giờ cũ. 

Đầu tư cho nhân lực

Để thu hút, phát triển và giữ chân nhân lực chất lượng cao, các quốc gia kể trên đã thực hiện nhiều chính sách đặc biệt thể hiện sự trọng dụng tài năng và tạo cơ hội phát triển rộng mở nhất cho lực lượng lao động này.

Chẳng hạn, tại Đan Mạch, trong hơn 1 thập kỷ qua, quốc gia này đã bền bỉ thực hiện các chính sách để thu hút nhiều hơn nữa lao động có kỹ năng, bằng cả các chương trình ưu đãi cấp quốc gia và địa phương. Đan Mạch có rất nhiều chương trình cung cấp cơ hội làm việc và sinh sống tại quốc gia này, bao gồm The Positive List (danh sách các nghề nghiệp tại Đan Mạch đang thiếu lao động chất lượng cao, sinh viên quốc tế có tài năng và được đào tạo tại các lĩnh vực này dễ dàng tìm được việc làm với các đãi ngộ và lương thưởng hấp dẫn); The Corporate Scheme (cung cấp giấy phép cư trú cho bất kỳ người lao động nào làm việc tại các doanh nghiệp có sự hiện diện tại Đan Mạch); The Pay Limit Scheme (quy định mức lương tối thiểu hàng năm đối với lao động ngoại quốc có trình độ cao, ràng buộc chặt chẽ với việc đảm bảo mức sống tiêu chuẩn và cơ hội phát triển nghề nghiệp)…

Trong khi đó, Singapore, gương mặt đại diện cho khu vực châu Á cũng có chiến lược rất bài bản để thu hút tài năng trên toàn cầu. Từ năm 1998, Singapore đã thành lập Ủy ban Tuyển dụng tài năng. Chính sách lớn của Singapore là chào đón người có tài năng từ nước ngoài vào bộ máy nhà nước. Chính phủ Singapore tuyển chọn người có tài năng dựa trên năng lực, khả năng đóng góp, không phân biệt quốc tịch của người nhập cư. Nội các đầu tiên của Singapore cũng chỉ có duy nhất 2 người bản địa.

Mới đây, ông Ong Ye Kung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore cho biết, một trong những vấn đề quan trọng của đảo quốc sư tử là thu hút nhân tài từ nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, trong khi hệ thống giáo dục trong nước đổi mới để đào tạo nguồn nhân lực nội địa phục vụ cho tương lai. “Mỗi quốc gia trên thế giới đều khao khát nhân tài, đặc biệt là tài năng về phần mềm, trí thông minh nhân tạo. Chúng ta thu hút các tài năng này, không chỉ để các lĩnh vực kể trên cất cánh, mà còn để tiếp tục đào tạo công dân Singapore sẵn sàng cho tương lai”, ông Ong Ye Kung nhấn mạnh.

Chuyên đề