Trận đánh đẫm máu khiến Thụy Sĩ không tham chiến suốt 500 năm

Trận đánh Marignano cách đây 500 năm khiến hơn 11.000 quân Thụy Sĩ thiệt mạng dẫn tới hiệp ước yêu cầu nước này đứng trung lập được duy trì cho đến ngày nay.

 Lực lượng quân đội Thụy Sĩ ngày nay

Thụy Sĩ đã thực thi chính sách trung lập qua 5 thế kỷ, ngay cả trong các cuộc chiến tranh thế giới. Lần duy nhất chính sách này bị phá vỡ là trong Chiến tranh Napoleon. Khi đó, Thụy Sĩ vẫn cố gắng đứng trung lập trong cuộc xung đột và tái lập vững chắc chính sách này vào năm 1815.

Nguyên nhân khiến quốc gia có đội quân thiện chiến, nổi tiếng với chiến thuật lấy ít địch nhiều như Thụy Sĩ kiên trì theo đuổi chính sách trung lập bắt nguồn từ trận đánh lớn với Pháp ở Marignano trong giai đoạn cuối của cuộc chiến Liên minh Thần thánh (1508-1516), theo War History.

Trước trận chiến Marignano, Thụy Sĩ đã có một loạt chiến thắng, chiếm được phần lớn miền bắc Italy, bao gồm cả Milan, cứ điểm then chốt đối với quân Pháp.

Quân đội Pháp, dưới sự chỉ huy của vua Francis, quyết định gây bất ngờ cho Thụy Sĩ bằng việc tiến hành cuộc hành quân nguy hiểm qua các ngọn đèo trên dãy Alps và tiến tới vùng đồng bằng quanh Milan. Quân Thụy Sĩ ban đầu đề nghị đàm phán với Pháp, nhưng khi lực lượng tiếp viện kéo đến, họ quyết định từ bỏ nỗ lực thương thảo và chuẩn bị chiến đấu.

Khoảng 22.000 quân Thụy Sĩ phải đối mặt với gần 40.000 quân Pháp, trong đó gồm những lính đánh thuê đáng sợ của Đức, kỵ binh và pháo binh. Binh lính Thụy Sĩ không quá quan tâm đến chênh lệch quân số, bởi họ từng lấy ít địch nhiều và giành chiến thắng trong trận Novara chỉ trước đó vài năm.

Trước trận đánh, vua Francis bố trí hàng chục khẩu pháo dã chiến dọc tiền tuyến ở trung tâm đội hình, còn kỵ binh trải rộng ở bên sườn. Thụy Sĩ thiết lập đội hình bộ binh lớn vì không có kỵ binh hay pháo binh. Chiến thuật của họ là xông thẳng tới các khẩu pháo, chiếm vị trí và dùng chúng để tấn công ngược lại quân Pháp. Đây là chiến thuật táo bạo, từng có hiệu quả trong quá khứ.

Bộ binh Thụy Sĩ nổi tiếng nhờ khả năng chiến đấu và kỷ luật cao. Ảnh:War History.

Lính Thụy Sĩ tấn công ngay trước khi mặt trời lặn, nhanh đến mức pháo binh Pháp gặp khó trong việc khai hỏa vào lực lượng bộ binh đang xông đến. Quân Thụy Sĩ chiếm được một số khẩu pháo và lao đến chiến đấu ác liệt với lính đánh thuê Đức.

Hai đội quân này là đối thủ cạnh tranh cho danh hiệu lực lượng thiện chiến nhất ở châu Âu. Họ giao tranh ác liệt trong ánh chiều chạng vạng, chỉ đến khi kỵ binh do vua Francis đến hỗ trợ thì Pháp mới đẩy lùi được quân Thụy Sĩ. Nhiều sĩ quan và quý tộc đã thiệt mạng trong trận giao tranh, trước khi cả hai phe rút lui vì trời tối.

Ngày tiếp theo, trận đánh diễn ra tương tự. Thụy Sĩ vẫn tiếp tục sử dụng chiến thuật hôm trước, phát động cuộc tấn công lớn vào vị trí các khẩu pháo, nhưng lúc này lính pháo binh Pháp đã có sự chuẩn bị.

Quân Pháp bắn vào giữa đội bình được tổ chức chặt chẽ của quân Thụy Sĩ. Không nản chí, quân Thụy Sĩ tiếp tục tấn công và xông thẳng vào tuyến pháo binh. Một cuộc giao tranh khốc liệt với lính đánh thuê Đức diễn ra, trong khi kỵ binh và hỏa lực pháo binh tầm gần bắn phá vào đội hình đầy kỷ luật của Thụy Sĩ.

Trận chiến bất phân thắng bại cho đến khi quân đồng minh Venice của Pháp nhảy vào tham chiến. Các đợt tấn công thọc sườn bằng quân số áp đảo của lực lượng này đã xoay chuyển cục diện, buộc quân Thụy Sĩ phải rút lui.

Hỏa lực pháo binh đối phương dồn dập, các cuộc tấn công của kỵ binh và giao tranh mệt mỏi khiến quân Thụy Sĩ phải trả giá đắt. Họ mất hơn một nửa quân số trong khi phía Pháp chỉ có khoảng 5.000 lính thương vong.

Tranh vẽ mô tả trận đánh đẫm máu tại Marignano. Ảnh:War History.

Trận Marignano kết thúc bằng hiệp định hòa bình giữa Thụy Sĩ với Pháp. Trong đó có điều khoản "hòa bình vĩnh cửu", tuyên bố rằng Pháp và Thụy Sĩ sẽ không bao giờ chống lại nhau và họ sẽ không bao giờ liên minh với các kẻ thù khác.

Điều khoản này được hai bên kiên trì thực thi cho đến cuộc cách mạng Pháp, khi lính Pháp xâm lược Thụy Sĩ. Lính đánh thuê Thụy Sĩ đôi khi vẫn chiến đấu, nhưng đây là trường hợp rất hiếm gặp.

Trải qua 5 thế kỷ, lập trường trung lập của Thụy Sĩ ngày càng chắc chắn với các điều luật được ban hành nhằm nghiêm cấm công dân nước này tham chiến ở nước ngoài. Thụy Sĩ giữ được thái độ trung lập do họ có lớp phòng thủ tự nhiên khá tốt. Các sườn núi bao quanh nước này là chướng ngại hiểm trở, ngay cả với các đội quân xâm lược hiện đại.

"Thụy Sĩ là ví dụ hiếm hoi về một đất nước trung lập sâu sắc với khả năng tránh xa chiến tranh trong nhiều thế kỷ", sử gia William Mclaughlin nhận định.

Chuyên đề