Tổng cục Trinh sát - cơ quan phụ trách điệp vụ nước ngoài của Triều Tiên

Được xây dựng từ ba cơ quan tình báo, Tổng cục Trinh sát Triều Tiên có chức năng, quyền hạn lớn trong thực hiện các điệp vụ ở nước ngoài.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (áo đen) thị sát một cuộc tập trận. Ảnh:KCNA

Trong một báo cáo công bố năm 2013, Lầu Năm Góc Mỹ cho biết Tổng cục Trinh sát là một trong 4 cơ quan tình báo quan trọng nhất của Triều Tiên. Trong khi Cơ quan An ninh Quốc gia, Cơ quan Mặt trận Thống nhất và Cục 225 cung cấp các thông tin quan trọng nhằm hoạch định chính sách đối nội và huấn luyện điệp viên, Tổng cục Trinh sát chịu trách nhiệm tiến hành các hoạt động ngầm ở nước ngoài.

Tổng cục Trinh sát Triều Tiên (RGB) được tổ chức thành 6 cục, phụ trách các lĩnh vực tác chiến, trinh sát, công nghệ và mạng, tình báo hải ngoại, đàm phán liên Triều và hậu cần kỹ thuật.

Theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc, Tổng cục Trinh sát được cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il lập ra vào tháng 2/2009 trong một nỗ lực nhằm củng cố quyền lực của Ủy ban Quốc phòng. Ông bổ nhiệm tướng Oh Keuk-ryul, người phụ trách các vấn đề liên quan đến Hàn Quốc, làm phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, thành lập Tổng cục Trinh sát dưới quyền chỉ huy của tướng Oh. Thiếu tướng Kim Young-cheol lúc đó được bổ nhiệm là tổng cục trưởng dưới quyền ông Oh.

Tình báo Hàn Quốc cho rằng Tổng cục Trinh sát là kết quả của sự sáp nhập ba cơ quan quan trọng, gồm Cục Trinh sát, Sở Tác chiến – nơi tướng Oh từng phụ trách, và Phòng 35, cơ quan phụ trách các hoạt động gián điệp ở nước ngoài.

Cục Trinh sát Quân đội, tiền thân của RGB, là một đội ngũ chuyên nghiệp phụ trách các cuộc tấn công ngầm nhắm vào Hàn Quốc. Cơ quan này được cho là đã thực hiện một số vụ tấn công phá hoại ở vùng duyên hải Uljin và Samcheok phía đông Hàn Quốc năm 1968.

Cũng trong năm đó, các đặc công Đơn vị 124 thuộc biên chế Cục Trinh Sát đã bí mật đột nhập lãnh thổ Hàn Quốc, tìm đường tiếp cận đến dinh Tổng thống Hàn Quốc với nhiệm vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee. Họ chỉ bị phát hiện khi còn cách mục tiêu vài trăm mét và phải trả giá đắt vì vụ xâm nhập táo bạo này, khi 29 trên 31 đặc công thiệt mạng khi đấu súng với lực lượng an ninh Hàn Quốc.

Còn Sở Tác chiến dưới quyền tướng Oh có nhiệm vụ hỗ trợ các điệp viên xâm nhập vào Hàn Quốc hoặc Nhật Bản cũng như thực hiện các hoạt động quân sự ngầm khác. Trong khi đó, Phòng 35 là cơ quan phụ trách các hoạt động tình báo hải ngoại.

Việc Cục Trinh sát được sáp nhập với các đơn vị khác và nâng cấp thành tổng cục chứng tỏ nó đảm nhiệm mọi nhiệm vụ trong các lĩnh vực liên quan, dù đó là công việc thuộc quyền xử lý của đảng Lao động Triều Tiên, quân đội hay chính phủ. Năm 1976, khi Cục Cảnh vệ bảo vệ Chủ tịch Kim Jong-il được nâng cấp thành Tổng cục Cảnh vệ, nó đảm nhiệm công tác an ninh cho toàn bộ các quan chức cấp cao trong đảng, quân đội và các tổ chức nhà nước khác.

Các chuyên gia Hàn Quốc cũng cho rằng cuộc cải tổ hệ thống tình báo này là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi chiến lược của ông Kim Jong-il trong lập trường đối với Hàn Quốc. Việc kết hợp Cục Trinh sát của Quân đội với Sở Tác chiến và Phòng 35 của Trung ương đảng Lao động Triều Tiên góp phần thống nhất các hoạt động gián điệp, các cuộc tấn công ngầm vào một đầu mối chỉ đạo.

Điệp vụ ở nước ngoài

Các binh sĩ lực lượng vũ trang Triều Tiên. Ảnh:Reuters

Theo Jang Jin-sung, một người Triều Tiên đào tẩu từng làm việc cho Cơ quan Mặt trận Thống nhất Triều Tiên, Phòng 35 có truyền thống xây dựng và tổ chức mạng lưới tình báo, cộng tác viên ở nước ngoài để phục vụ cho các nhiệm vụ bí mật.

"Họ đào tạo những người có kỹ năng làm việc thực sự, rồi cử họ và gia đình ra nước ngoài sinh sống", Jang nói. "Khi thời cơ khẩn cấp xuất hiện, những người này lập tức được huy động vào nhiệm vụ".

Năm 1987, đặc vụ Kim Hyun-hee, thành viên Phòng 35, cài một quả bom trên chuyến bay 858 của hãng hàng không Korean Air, giết hại toàn bộ 115 người trên khoang khi nó nổ tung trên Vịnh Bengal. Kim sau đó bị bắt và bị dẫn độ về Hàn Quốc, nơi đặc vụ này được ân xá và viết cuốn hồi ký "Những giọt lệ trong hồn tôi" vào năm 1993.

Kim cho biết khi lên đường thực hiện nhiệm vụ, bà được phát một gói thuốc lá Marlboro, trong đó có một điếu thuốc có chấm đen nhỏ. Nếu bị bắt, điệp viên được yêu cầu cắn điếu thuốc này, giúp họ tự tử ngay lập tức. Kim đã cắn điếu thuốc khi bị bắt giữ, nhưng chất độc cyanua trong đó không đủ để giết bà.

Năm 2010, cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ hai người Triều Tiên được cho là thành viên của RGB đóng giả làm người đào tẩu đến Hàn Quốc, nhằm thực hiện âm mưu ám sát Hwang Jang-yop, cựu bí thư đảng Lao động Triều Tiên đào tẩu. Hai người này khai rằng họ lên kế hoạch giết hại Hwang bằng cách cắt cổ ông.

Michael Madden, một chuyên gia về giới lãnh đạo Triều Tiên, cho rằng đây là những điệp viên thế hệ sau của những đặc công từng tìm cách ám sát Tổng thống Park Chung-hee. "Đã hàng chục năm trôi qua, những người này đã được học hỏi từ những điệp viên bậc thầy và chỉ huy cứng rắn, dày dặn kinh nghiệm", Madden nói.

"Một số điệp viên Triều Tiên được coi là đặc vụ tự do, chỉ được sử dụng khi cần thiết", Madden nói với Reuters.

Thae Yong-ho, cựu phó đại sứ Triều Tiên ở Anh, người mới đào tẩu đến Hàn Quốc, tiết lộ với Reuters rằng Triều Tiên thường bố trí ít nhất một thành viên Cơ quan An ninh Quốc gia (hay còn gọi là "bowibu") tại các cơ sở ngoại giao ở nước ngoài. Quan chức an ninh này thường liên lạc trực tiếp với Bình Nhưỡng, nhận lệnh từ Trung ương đảng cũng như từ bowibu.

Chuyên đề