Tin OPEC, thương mại đưa giá dầu tăng mạnh

Giá dầu thế giới tăng gần 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai nhờ loạt tin hỗ trợ...
Tháng 11 vừa qua, giá dầu thế giới "bốc hơi" trên 20% - Ảnh: Reuters.
Tháng 11 vừa qua, giá dầu thế giới "bốc hơi" trên 20% - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới tăng gần 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí "đình chiến" thương mại, tỉnh Alberta của Canada ra lệnh cắt giảm sản lượng khai thác dầu, và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có thể đi đến quyết định hạ sản lượng trong cuộc họp tuần này.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,23 USD/thùng, tương đương tăng 3,75%, chốt ở 61,69 USD/thùng.

Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York đóng cửa với mức tăng 2,02 USD/thùng, tương đương tăng 3,97%, đạt 52,95 USD/thùng.

Trong phiên, có thời điểm giá của cả hai loại dầu này tăng hơn 5%.

Tháng 11 vừa qua, giá dầu thế giới "bốc hơi" trên 20% vì nỗi lo chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm tốc trong năm 2019. Nỗi lo này được giải tỏa phần nào khi lãnh đạo hai nước nhất trí không áp thêm thuế quan lên hàng hóa của nhau trong 90 ngày, và thay vào đó đẩy mạnh đàm phán thương mại để đi đến giải pháp triệt để cho mâu thuẫn thương mại.

"Những tín hiệu mới cho thấy sự cải thiện quan hệ thương mại Mỹ-Trung đã tạo ra một cú huých đối với giá dầu trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Tuy nhiên, đà tăng này có được duy trì hay không sẽ tùy thuộc vào kết quả cụ thể của cuộc đàm phán sắp tới", nhà phân tích thị trường năng lượng Abhishek Kumar thuộc Interfax Energy phát biểu.

Giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ sau khi chính quyền tỉnh Alberta thuộc miền Tây Canada yêu cầu các nhà khai thác dầu ở bang này giảm sản lượng 8,7%, tương đương mức giảm 325.000 thùng/ngày, trong bối cảnh những nút thắt trong hệ thống đường ống dẫn dầu ở địa phương này dẫn tới tình trạng lượng dầu tồn kho tăng cao.

Vào ngày thứ Năm, OPEC và đồng minh, gồm Nga, sẽ nhóm họp ở Vienna, Áo để bàn về sản lượng. Theo dự báo, nhóm này sẽ đi đến một quyết định cắt giảm sản lượng để "vực dậy" giá dầu sau khi giá năng lượng này giảm 1/3 kể từ tháng 10.

"Chúng tôi cho rằng sản lượng của OPEC và đồng minh sẽ phải giảm 1,1-1,2 triệu thùng/ngày để giá dầu thoát đáy", ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates, nhận định.

Qatar, một thành viên của OPEC, ngày 3/12 tuyên bố sẽ rút khỏi tổ chức này từ tháng 1 năm sau, đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia vùng Vịnh rời OPEC kể từ khi khối này được thành lập cách đây gần 60 năm. Qatar có sản lượng dầu chỉ vào khoảng 600.000 thùng/ngày, nhưng là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới.

Việc Qatar rút khỏi OPEC cho thấy sự bất mãn của các thành viên nhỏ trong khối này với vai trò thống lĩnh của một ủy ban do Saudi Arabia và Nga đứng đầu - theo lời ông Hossein Kazempour Ardebili, đại diện của Iran trong OPEC. Ông Ardebili cũng nói rằng nếu OPEC quyết định giảm sản lượng, thì các quốc gia hạ sản lượng phải là những nước đã tăng khai thác dầu thời gian qua.

Dữ liệu từ Bộ Năng lượng Nga vào cuối tuần vừa rồi cho thấy sản lượng dầu của nước này đạt 11,37 triệu thùng/ngày trong tháng 11, giảm so với mức kỷ lục kể từ khi Liên Xô tan rã là 11,41 triệu thùng đạt được hồi tháng 10.

Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục lập ngưỡng kỷ lục mới, đạt khoảng 11,5 triệu thùng/ngày.

Chuyên đề