Tiêm kích Su-33 rơi xuống biển, Nga nhận thêm bài học cay đắng

Vụ tiêm kích hạm Su-33 rơi xuống biển bổ sung thêm một bài học quý giá nhưng đầy cay đắng trong tác chiến cho Hải quân Nga.
Tiêm kích Su-33 trên tàu Đô đốc Kuznetsov. Ảnh:Sputnik.
Tiêm kích Su-33 trên tàu Đô đốc Kuznetsov. Ảnh:Sputnik.

Không quân Hải quân Nga vừa mất thêm một tiêm kích hạm Su-33, khi chiếc máy bay rơi xuống biển do sự cố đứt cáp hãm đà trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hôm 5/12, Sputnik đưa tin.

Đây không phải lần đầu tiên máy bay trên tàu Đô đốc Kuznetsov chịu thiệt hại ngoài chiến đấu. Hôm 13/11, một chiếc MiG-29K phải bay lòng vòng chờ hạ cánh trên tàu và rơi xuống biển do hết nhiên liệu. Sự chậm trễ được cho là vì một sự cố khác với hệ thống cáp hãm đà.

Nhà phân tích quân sự Viktor Baranets gọi đây là những "bài học cay đắng" cho Không quân Hải quân Nga tại Syria, đặc biệt là với những trục trặc trong hệ thống cáp hãm đà trên tàu sân bay. Đó là một hệ thống cồng kềnh và phức tạp, Nga không phải nước duy nhất gặp các sự cố như vậy. Nhiều máy bay Mỹ cũng từng rơi xuống biển vì lỗi với hệ thống cáp hãm.

"Đây là một vấn đề kỹ thuật quân sự chung. Chưa hề có chuyến hạ cánh hoàn hảo xuống bất cứ tàu sân bay nào trên thế giới. Điều đang xảy ra chính là những gì Tổng thống Vladimir Putin nói tới, chiến dịch tại Syria đang làm lộ ra điểm mạnh và điểm yếu với khí tài quân sự của Nga", chuyên gia Baranets nhận xét.

Ông cũng dự đoán rằng các tiêm kích hạm sẽ được chuyển tới căn cứ không quân Hmeymim, Syria cho tới khi lỗi của hệ thống cáp hãm được khắc phục. Trong khi bộ cáp hãm đà được sửa chữa, các tiêm kích MiG-29K và Su-33 sẽ được vận hành an toàn ở căn cứ trên mặt đất, bởi việc mạo hiểm mất thêm máy bay là không cần thiết.

Kể từ khi được biên chế, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov mới chỉ tiến hành một vài nhiệm vụ, tất cả đều giới hạn ở khu vực Địa Trung Hải. Chiếc tàu sân bay duy nhất của Nga không ít lần gặp sự cố, chẳng hạn như trục trặc với đường ống dẫn nước khiến thủy thủ đoàn 2.000 người chỉ có thể sử dụng 25 nhà vệ sinh, theo Military.

Năm 2009 có thể coi là giai đoạn cực kỳ xui xẻo với Đô đốc Kuznetsov. Hàng trăm tấn dầu trên tàu bị tràn ra khu vực ngoài khơi Ireland, sau đó một vụ cháy xảy ra khi con tàu hoạt động gần Thổ Nhĩ Kỳ khiến một thủy thủ thiệt mạng. Tới năm 2012, con tàu gặp sự cố tại vịnh Biscay, buộc Nga phải dùng tàu kéo để đưa nó về cảng Murmansk cách đó hàng nghìn km.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov gặp rất nhiều sự cố khi vận hành. Ảnh:Sputnik.

Ngay cả khi không có những sự cố như vậy, Nga cũng khó tìm ra khách hàng nếu muốn bán con tàu này. Nước này từng bán tàu sân bay Đô đốc Gorshkov cho Ấn Độ với giá 2,35 tỷ USD, trong khi Ukraine đã bán khung thân tàu Varyag cho Trung Quốc vào cuối thập niên 1990. Cả hai thương vụ này đều khiến người mua thất vọng.

Trung Quốc phải bỏ hàng trăm triệu USD để sửa chữa, nâng cấp tàu Varyag, trước khi đổi tên nó thành Liêu Ninh. Chuyên gia Mỹ nhận xét con tàu này khó có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, chỉ phù hợp với việc huấn luyện phi công và thủy thủ đoàn.

Việc bàn giao tàu Đô đốc Gorshkov, giờ mang tên INS Vikramaditya, đã bị trì hoãn trong nhiều năm, một phần do hệ thống động lực gặp sự cố khi thử nghiệm. Nó được Hải quân Ấn Độ biên chế vào năm 2013 và đang tuần tra trên Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, chính phủ nước này cho biết tiêm kích nội địa Tejas không thể hạ cánh trên tàu Vikramaditya.

Nga đang trình diễn nhiều hệ thống vũ khí ấn tượng tại Syria, gần đây nhất là hệ thống phòng không tối tân S-400. Quá trình này hỗ trợ rất nhiều cho việc xuất khẩu vũ khí của Nga, giúp nước này đạt mốc kỷ lục 15 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, Nga nên để tàu Đô đốc Kuznetsov trở về, thậm chí là loại biên nó ngay. Con tàu này đáng giá làm sắt vụn hơn là thể hiện uy lực quân sự của Nga, các chuyên gia phân tích quân sự đánh giá.

Chuyên đề