Thử hạt nhân vào thời điểm nhạy cảm, Triều Tiên gây khó cho ông Tập

Vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của ông Tập trước thềm đại hội đảng lần thứ 19.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:Reuters.

Hôm 3/9, chỉ vài giờ trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh BRICS trước đại diện các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, thu hút toàn bộ sự chú ý của dư luận, theo Washington Post.

"Chúng ta đều biết rằng Chủ tịch Tập sắp phát biểu tại BRICS, thế mà Triều Tiên chọn thời điểm này để tiến hành vụ thử, đặc biệt là thử bom nhiệt hạch (bom H). Thật không thể tưởng tượng nổi", Cheng Xiaohe, chuyên gia Triều Tiên tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nói.

Giới chuyên gia cho rằng vụ thử bom H này của Triều Tiên diễn ra vào thời điểm vô cùng nhạy cảm, khi ông Tập đang phải chịu sức ép rất lớn từ Mỹ về việc phải phản ứng những hành vi khiêu khích của Triều Tiên, trong lúc phải chuẩn bị cho kỳ đại hội đảng quan trọng sắp diễn ra.

"Trung Quốc đang bị dồn vào chân tường", Cheng nói. "Tôi cảm thấy lo sợ trước những gì chúng tôi đang đối mặt. Chúng tôi đang đứng trước một cuộc thách đấu".

Ông Tập rõ ràng không muốn bị thách thức, bởi đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào ngày 18/10 sẽ là thời khắc quan trọng trong nhiệm kỳ của ông. Đây là cơ hội để ông chứng tỏ quyền lực của mình cũng như đưa ra kế hoạch lãnh đạo cho những năm tiếp theo. Trung Quốc đã mất nhiều năm để chuẩn bị cho đại hội này, gần như không có gì có thể thay đổi được nữa.

Trong quá trình chuẩn bị đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục ca ngợi khả năng lãnh đạo của ông Tập, kêu gọi đội ngũ quan chức học tập và áp dụng "tư tưởng ngoại giao" của ông. Truyền hình Trung Quốc phát loạt phim tài liệu dài 6 tập kể về "các thành tựu đối ngoại nổi bật" của Chủ tịch Tập.

Vào thời điểm đó, một quả bom hạt nhân phát nổ gần biên giới có thể đe dọa phá hỏng mọi thứ. "Khi đại hội đang đến gần, vụ thử hạt nhân này là điều Trung Quốc ít mong đợi nhất", Adam Cathcart, giảng viên Đại học Leeds ở Anh, bình luận. "Bạn có một quả bom phát nổ và làm lung lay bục phát biểu của mình".

Hậu quả đầu tiên mà Trung Quốc hứng chịu sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên chính là phản ứng quyết liệt đến mức bất ngờ của Mỹ. Trong khi truyền thông Trung Quốc cố tập trung sự chú ý của dư luận vào ông Tập, Tổng thống Mỹ Donald Trump thức dậy và lập tức đăng lên Twitter rằng Triều Tiên đã trở thành "một mối đe dọa và nỗi hổ thẹn lớn của Trung Quốc".

Thử hạt nhân vào thời điểm nhạy cảm, Triều Tiên gây khó cho ông Tập ảnh 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị hạt nhân. Ảnh:KCNA.

Trump sau đó tuyên bố Mỹ đang xem xét việc cắt thương mại với tất cả những nước có quan hệ làm ăn với Triều Tiên, trong đó có thể có cả Trung Quốc. Khi được hỏi về tuyên bố này của Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm qua cho rằng điều đó là "không thể chấp nhận được".

Theo các chuyên gia, nếu Mỹ chấm dứt hoạt động thương mại với Trung Quốc, nền kinh tế thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng sẽ hứng chịu đòn nặng nề. Hiện chưa rõ đây chỉ là tuyên bố nhất thời của Trump hay chính sách mới mà Mỹ sẽ áp dụng trong thời gian tới nhằm đối phó với Triều Tiên.

Khó nhượng bộ thêm

Triều Tiên từng là đồng minh thân cận của Trung Quốc, nhưng từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, mối quan hệ này dường như đã lạnh nhạt nhiều phần. Bắc Kinh cũng giống như Washington và nhiều quốc gia khác trên thế giới đang ngày càng trở nên giận dữ trước tham vọng tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trung Quốc không hề muốn Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo và bom hạt nhân ngay sát biên giới nước mình, nhất là khi những hành động đó sẽ châm ngòi cho phản ứng không thể lường trước từ Trump, cũng như việc liên minh Mỹ - Nhật – Hàn sẽ gia tăng sức mạnh quân sự và các hệ thống phòng thủ tên lửa ngay sát nách Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên thực hiện hành vi khiêu khích ngay trước thời điểm trọng đại của Trung Quốc. Hồi tháng 5, chỉ vài giờ trước khi ông Tập đăng đàn phát biểu về "Vành đai và Con đường", sáng kiến nổi bật trong chính sách đối ngoại của ông, Triều Tiên bất ngờ phóng một tên lửa đạn đạo xuống biển Nhật Bản, châm ngòi cho phản ứng giận dữ trong khu vực và trên thế giới.

Các chuyên gia cho rằng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên sẽ khiến Mỹ gây sức ép nhiều hơn với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không nhượng bộ thêm trước áp lực này. "Đây là lần cuối cùng Trung Quốc thực thi chính sách hướng về phía Mỹ trong việc xử lý vấn đề Triều Tiên", Cathcart nhận định.

Trung Quốc hôm qua trao "công hàm phản đối nghiêm khắc" đến đại diện ngoại giao Triều Tiên ở Bắc Kinh, yêu cầu nước này kiềm chế, không làm leo thang căng thẳng trên bán đảo. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nói rõ liệu họ có ủng hộ lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với chính quyền Bình Nhưỡng liên quan đến vụ thử hạt nhân mới nhất hay không.

Bắc Kinh từ lâu đã đề xuất phương án "cùng ngừng" để giải quyết cuộc khủng hoảng, trong đó Mỹ và Hàn Quốc phải chấm dứt các cuộc tập trận chung để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng thử tên lửa, hạt nhân. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị phía Mỹ thẳng thừng bác bỏ. Ngoài ra, Trung Quốc còn ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên và kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán.

Giới phân tích nhận định Trung Quốc không còn dư địa để gây sức ép thêm nữa với Triều Tiên. Nước này không hề có bất cứ lợi ích nào nếu bất ổn nổ ra trên bán đảo Triều Tiên và bất kỳ sự thay đổi hiện trạng nào ở đây cũng có thể là cánh cửa giúp Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở châu Á.

Một bài viết đăng ngay sau khi Triều Tiên thử hạt nhân trên tờ Global Times, ấn phẩm của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi hướng tiếp cận của mình đối với vấn đề Triều Tiên, bất chấp những lời kêu gọi nước này cắt hoàn toàn nguồn cung dầu mỏ và các hàng hóa thiết yếu cho Bình Nhưỡng.

Hu Xijin, biên tập viên cấp cao của tờ báo, nói rằng ông cũng rất bức xúc trước việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa và hạt nhân, nhưng không thể ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. "Tôi muốn nói với người dân thế giới rằng phần lớn người Trung Quốc cũng có cảm giác giống như họ: Chúng tôi tức giận với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng cấm vận hoàn toàn không phải là cách để giải quyết vấn đề".

Theo Hu, việc cắt đứt mọi quan hệ với Triều Tiên sẽ không chấm dứt được chương trình tên lửa, hạt nhân của nước này mà chỉ càng khiến Bình Nhưỡng quay mặt với Bắc Kinh. "Bởi vậy, dù rất giận dữ, tôi vẫn ủng hộ Trung Quốc đặt lợi ích quốc gia của mình lên hàng đầu và không chấp nhận lệnh cấm vận toàn bộ, trong đó có dầu mỏ", ông nói.

Chuyên đề