Thử bom nhiệt hạch, Triều Tiên gây sức ép với cả Trung Quốc

Theo các chuyên gia, qua vụ thử bom nhiệt hạch mới nhất, Bình Nhưỡng muốn gây sức ép buộc Trung Quốc thuyết phục Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. 
Bức ảnh này được công bố hôm 3/9 vài giờ sau khiTriều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch có thể gắn vào tên lửa đạn đạo tầm xa.Ảnh:Korean Central News Agency.
Bức ảnh này được công bố hôm 3/9 vài giờ sau khiTriều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch có thể gắn vào tên lửa đạn đạo tầm xa.Ảnh:Korean Central News Agency.

Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom hydro hay bom nhiệt hạch với "sức mạch chưa từng có tiền lệ" vào ngày 3/9. Truyền hình nhà nước Triều Tiên cho biết quả bom này có thể được dùng để gắn vào tên lửa đạn đạo tầm xa, theo Bloomberg. Bom nhiệt hạch với thành phần chính là uranium có thể gây ra thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với bom nguyên tử sử dụng nhiên liệu plutonium. 

"Nó lớn đấy. Dư chấn (sau vụ thử) lớn hơn bất cứ vụ nổ nào mà chúng tôi từng thấy ở Triều Tiên", theo Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á tại Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury, bang California, Mỹ.

Gây sức ép đàm phán

Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên cố ý chọn tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 trùng đúng ngày hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, khai mạc tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc, theo Cheng Xiaohe, chuyên gia của trường đại học Nhân dân ở Bắc Kinh. 

"Vụ này là để thử xem liệu Trung Quốc sẵn sàng có những hành động quyết liệt hơn như cắt nguồn cung dầu cho Triều Tiên hay không", ông Cheng nói. 

Michael Kovrig, tư vấn cấp cao cao về khu vực Đông Á của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế, cho rằng khi có thể cảm nhận được dư chấn của vụ thử hạt nhân tại thành phố Trung Quốc giáp với biên giới Triều Tiên, "Trung Quốc sẽ có phản ứng đáng kể nhằm thể hiện thái độ không hài lòng".

"Họ tiến hành vụ thử vào đúng lúc hội nghị thượng đỉnh BRICS chuẩn bị khai mạc cho thấy thực trạng tồi tệ của mối quan hệ (giữa hai bên) vào thời điểm này", ông nhận định.

Truyền hình Triều Tiên thông báo về vụ thử bom nhiệt hạch vào ngày 3/9.

Washington đã nhiều lần thúc giục và gây sức ép buộc Bắc Kinh cắt đứt nguồn cung lương thực và nhiên liệu cho Triều Tiên. Dù Trung Quốc ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn trước hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa mà quốc gia láng giềng tiến hành trong thời gian gần đây, nước này vẫn không mạnh tay áp dụng các biện pháp trừng phạt vì lo ngại có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Kim Jong-un.

"Mục đích của vụ thử này nhắm vào ông Tập nhiều hơn là ông Trump", Peter Hayes, giám đốc viện nghiên cứu Nautilus chuyên về các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, nhận định Triều Tiên đang tạo áp lực ép Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng ra thuyết phục Mỹ đàm phán với Triều Tiên.

Nhật Bản đã lên tiếng xác nhận vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố vụ thử hạt nhân là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và Tokyo sẽ "kịch liệt phản đối". Chánh văn phòng Nội các Yoshihide cho biết những biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên đang được xem xét.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 3/9 gọi những hành động của Triều Tiên là "thù địch và gây nguy hiểm". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đe dọa "phản ứng quân sự dữ dội" đối với bất kỳ vụ tấn công nào vào Mỹ hoặc đồng minh. 

Tuy nhiên, theo các quan chức phụ tá, ông Trump không có nhiều lựa chọn để đối phó với các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Nếu tấn công địa điểm thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ ngay lập tức đáp trả, nã đạn pháo nhắm vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Cho đến lúc này, Tổng thống Trump vẫn áp dụng sách lược của những người tiền nhiệm: gia tăng áp lực trừng phạt kinh tế và đe dọa dùng lực lượng quân sự.

Về phía Trung Quốc, nước này đã gửi công hàm phản đối "nghiêm khắc" đến đại diện ngoại giao Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế, không làm leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, cùng với Nga, nước này quay sang chỉ trích phản ứng Mỹ cùng đồng minh với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là "không công bằng" và "không thể chấp nhận được".

"Chúng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận được rằng chúng tôi đang nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên nhưng những lợi ích của chúng tôi lại bị trừng phạt hoặc bị ảnh hưởng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết hôm nay. "Điều này không khách quan, bất công".

Lee Mi-sun, chuyên gia phân tích cấp cao của Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc, bình luận năng lượng của vụ thử lần sáu này có sức mạnh gấp "5 đến 6 lần" vụ thử hạt nhân lần thứ năm diễn ra vào năm ngoái của Bình Nhưỡng.

"Vũ khí lớn hơn rõ ràng có thể gây tàn phá lớn hơn. Nhưng tôi nghĩ còn có khía cạnh chính trị trong vụ thử này", nhà nghiên cứu Lewis nói.

"Kim Jong-un không có lợi thế đòn bẩy để khiến Washington ngồi xuống đám phán. Nhưng ông Tập có sức mạnh thực sự ảnh hưởng tới những tính toán của Washington",  Peter Hayes đánh giá.

Chuyên đề