Thế giới xa xỉ phẩm tại Triều Tiên

Rượu whisky, đồ trang sức, nước hoa cao cấp hay một bộ trống mới tinh, tất cả đều có thể được tìm thấy ở trung tâm thương mại Triều Tiên.

Hàng hóa cao cấp được bày bán tại Triều Tiên. Video: CNN 

Những hình ảnh mới được công bố trong cuộc điều tra của NK Pro, nhóm giám sát Triều Tiên độc lập, cho thấy rất nhiều hàng hóa từ thương hiệu cao cấp nước ngoài được bày bán tại hai trung tâm thương mại cao cấp ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các cửa hàng này chỉ nhận tiền mặt và lợi nhuận thu về có thể được đổ vào chương trình vũ khí hạt nhân bị quốc tế lên án.

Các nhóm nhân đạo nói rằng người dân Triều Tiên ở nông thôn đang sống trong cảnh đói nghèo. Nhưng ở thủ đô, rõ ràng nhiều người có tiền để tiêu, theo CNN.

Một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây làm việc tại Bình Nhưỡng từng đến cửa hàng vài năm trước cho biết: "Tôi đã nhìn thấy những người Triều Tiên cầm một xấp tờ 100 USD đi mua những mặt hàng giá hơn 2.000 USD". Bất cứ ai có USD đều được phép mua sắm ở đó, ông nói.

Trước các bước phát triển của Triều Tiên về vũ khí và chương trình hạt nhân, Hội đồng Bảo an LHQ đã bổ sung những mặt hàng sang trọng như xe đua, ngọc trai, hàng thể thao và đồng hồ đắt tiền vào danh sách cấm xuất khẩu vào Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc đó dường như không có hiệu quả. Một số mặt hàng đã bị cấm vẫn xuất hiện trong các bức ảnh của NK Pro. Có hẳn một kệ dành riêng cho các sản phẩm từ Montblanc, thương hiệu xa xỉ của Đức, bao gồm một chiếc đồng hồ với giá hơn 4.000 USD.

Richemont, công ty sở hữu thương hiệu, nói rằng họ không buôn bán ở các nước bị trừng phạt, đặc biệt là Triều Tiên. "Những món hàng đó có thể liên quan đến các kênh trái phép, hàng giả hoặc sản phẩm đã qua sử dụng", công ty tuyên bố.

Các quan chức sứ quán Triều Tiên và tầng lớp thượng lưu được cho là những người chuyển xa xỉ phẩm về Bình Nhưỡng. Cũng có bằng chứng cho thấy có hoạt động của thương nhân nước ngoài, theo CNN.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn dùng những mặt hàng cao cấp này để giữ giới thượng lưu cầm quyền trung thành với mình, Kim Kwang Jin, một người Triều Tiên đào tẩu từng tham gia vào việc nhập khẩu bất hợp pháp hàng hóa vào nước này, nói.

Nhưng Kim Kwang Jin cho rằng còn một lý do khác. "Họ kiếm được rất nhiều USD và tiền từ các xa xỉ phẩm này. Họ bán hàng rồi phân bổ số tiền thu được vào các ưu tiên như chương trình hạt nhân và tên lửa", ông nói. "Bán xa xỉ phẩm giúp họ chế tạo thêm tên lửa và vật liệu hạt nhân".

Triều Tiên ngày 4/7 thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Video: 9news/KCTV

Kim Kwang Jin nói rằng các cửa hàng xa xỉ phẩm trực thuộc Văn phòng bí mật 39 - đơn vị mà chính phủ Mỹ mô tả là quỹ kiếm tiền cho chính quyền Triều Tiên.

"Họ kiểm soát các cửa hàng, tất cả khách sạn tốt nhất và ngành công nghiệp dịch vụ ở Bình Nhưỡng", ông nói và cho biết thêm rằng tiền USD thu được từ du khách đổ thẳng vào Văn phòng 39.

Báo cáo của NK Pro nói rằng các thương nhân tại Singapore đã đưa lượng hàng hóa đáng kể vào các trung tâm thương mại Triều Tiên, trong đó có cả những xa xỉ phẩm bị cấm bởi các lệnh trừng phạt của LHQ.

Theo chuyên gia của LHQ và Bộ Tài chính Mỹ, các công ty ở Singapore, Malaysia và Nga là nguồn gốc hoặc điểm quá cảnh của hàng hóa bất hợp pháp vào Triều Tiên. Chính phủ Singapore năm 2010 đã ra quy định, mở rộng đáng kể danh mục hàng xa xỉ bị cấm xuất khẩu sang Triều Tiên.

Kim Kwang Jin nói rằng ông từng làm việc với các công ty có trụ sở tại Singapore vào đầu những năm 2000. Ông cho biết cảng vận chuyển lớn của quốc đảo này và kỹ năng giao dịch đã khiến đây trở thành điểm kinh doanh lý tưởng cho công việc của ông.

Tất nhiên, không phải tất cả giao dịch từ Singapore đến Triều Tiên đều bất hợp pháp. Nhưng các thương nhân không muốn quảng bá sự hiện diện của họ.

"Họ muốn kiếm tiền bằng những giao dịch bí mật với Triều Tiên. Triều Tiên không có nhiều kênh kết nối với bên ngoài, vì vậy họ sử dụng những kênh bí mật này và thông qua đó họ có thể kiếm được rất nhiều tiền", Kim nói.

Chuyên đề