Thất vọng với Obama, nhiều cử tri Mỹ sát cánh cùng Trump

Một bộ phận cử tri Mỹ đang có xu hướng ủng hộ tỷ phú Donald Trump vì thất vọng với những gì Tổng thống Barack Obama đã làm.

Bà Susanne Murphy từng hai lần bầu cho ông Obama nhưng nay quyết định ủng hộ ông Trump. Ảnh:New York Times

Năm 2008, sau khi vừa bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ lúc đó là ông Barack Obama, Jack Morris, một cử tri Cộng hòa lâu năm, gần như ngay lập tức cảm thấy hối tiếc vì quyết định của mình. Vài tháng sau, công ty thảm nơi ông làm thuê lên kế hoạch sa thải 36 người ở Pennsylvania và chuyển công việc tới Maryland, theo New York Times.

Morris về nhà, than với vợ ông đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi tin vào thông điệp về hy vọng và thay đổi của ông Obama.

"Tôi chỉ bảo vợ rằng 'Anh sai rồi. Anh lẽ ra không nên bầu cho ông ấy'", Morris, 46 tuổi, hiện là người ủng hộ ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump, cho biết. "Tôi đã chớp lấy cơ hội, từ bỏ đảng để bỏ phiếu cho ông ấy với hy vọng về một sự đổi thay. Nó không hiệu quả, giờ tôi quay về với đảng của mình".

Morris là một phần trong nhóm nhỏ các cử tri từng ủng hộ ông Obama vào năm 2008 nhưng nay đặt niềm tin ở tỷ phú Trump dựa vào tuyên bố mà nhà tài phiệt New York đưa ra, hứa sẽ làm biến đổi hệ thống chính trị hiện tại và khôi phục việc làm.

Một khảo sát do CBS News thực hiện tháng trước cho thấy 7% cử tri từng ủng hộ ông Obama vào năm 2012 nay quay sang ủng hộ ông Trump, ứng viên tổng thống mà họ nhìn nhận là "người ngoài" không có nhiều mối liên quan tới thế giới chính trị.

Trong các cuộc phỏng vấn với NYTimes, một số người cho hay họ thấy mình bị lừa và tuyệt vọng vì hoàn cảnh hiện tại. Theo họ, ông Obama chưa nỗ lực đủ để tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy một cách thiếu công bằng Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả phải chăng và gây ảnh hưởng tới danh tiếng của nước Mỹ trên trường quốc tế khi xử lý các vấn đề ngoại giao.

Thay đổi lập trường

Ông Chuck Linton. Ảnh:NYTimes

Susanne Murphy, 63 tuổi, đến từ thành phố Gettysburg, bang Pennsylvania, từng hai lần bầu cho ông Obama nhưng giờ đây chuyển sang ủng hộ tỷ phú Trump. Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả phải chăng đã khiến bà và chồng phải sa thải 5 nhân viên vì họ không đủ khả năng chi trả phúc lợi.

"Nó khiến chúng tôi cảm thấy rằng mình đã thất bại", bà nói trong lúc đứng chờ một cuộc vận động tranh cử của ứng viên phó tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Mike Pence bắt đầu.

Theo Murphy, thiện cảm bà dành cho ông Trump ngày càng lớn dần lên. "Đối với tôi, ông Donald Trump luôn nói sự thật, có gì nói đấy", bà cho hay. "Ông ấy muốn đoàn kết quốc gia này. Ông ấy muốn chăm sóc nước Mỹ trước tiên".

Gary Kerns, 42 tuổi, cũng đến từ Gettysburg, chia sẻ ông ấn tượng bởi nhà tài phiệt New York khá lâu rồi. Kerns năm 2008 bầu cho ông Obama vì bị lôi cuốn bởi các bài diễn văn của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ.

Kerns cho biết ông chuyển sang bầu cho ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đảng Cộng hòa Donald Trump bởi nhìn thấy nguồn năng lượng giống Obama ở vị tỷ phú Mỹ 70 tuổi.

Thậm chí, ông Trump còn thu phục cả những cư tri da màu từng được ông Obama truyền cảm hứng nhưng ngày càng thất vọng về Tổng thống Mỹ.

Chuck Linton, 69 tuổi, một cựu binh Mỹ đến từ thành phố Baltimore, bang Maryland, bày tỏ ông phát chán với cách mà những người Dân chủ bảo ông phải bỏ phiếu như thế nào.

"Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người nói rất hay và khiến bạn cảm thấy rằng ông ấy vì bạn, đứng về phía bạn, nhưng sự thật không phải vậy chưa?", Linton hỏi. "Đó chính là Obama".

Ông Linton, một cử tri Dân chủ lâu năm, tiết lộ ông định bầu cho tỷ phú Trump vì tin rằng nhà tài phiệt New York có khả năng dập tắt bạo lực ở những khu vực như Baltimore, nơi mà theo lời ông, rất nhiều người đã lâm vào cảnh mất gia đình, bạn bè vì bạo lực súng đạn.

"Bạn còn gì để mất? Đó là một câu hỏi hay", Linton nói, nhắc lại một câu mà ông Trump thường dùng trong các bài diễn văn trước người da màu. "Có gì khác biệt nếu chúng ta làm khác đi? Ông ấy hoàn toàn đúng. Chúng ta phải thử làm khác đi".

Với một số người, lập trường của ông Obama về vấn đề bình đẳng sắc tộc khiến họ không hài lòng.

Meg Amamolo, 57 tuổi, bầu cho ông Obama vào năm 2008 và 2012 với tâm trạng đầy hứng khởi. Nhưng bà đặc biệt thất vọng về Tổng thống Mỹ sau khi ông lên tiếng bình luận về cái chết của nam thanh niên da màu Trayvon Martin hồi tháng 2/2012. Martin bị một tình nguyện viên dân phòng bắn chết vì nghi ngờ cậu là một tên trộm.

"Nếu tôi có con trai, nó sẽ trông giống như Trayvon", ông Obama lúc bấy giờ nói.

Trong khi nhiều người ca ngợi ông Obama vì tỏ ra thông cảm với gia đình Martin, bà Amamolo cho rằng tổng thống Mỹ đang chọn phe và phát đi thông điệp rằng các con trai bà rồi cũng sẽ phải đối mặt với sự kỳ thị vì là người da màu.

"Rút cục, họ muốn những cậu bé da màu nhận ra rằng đất nước này không muốn chúng", bà nhấn mạnh. "Người Mỹ da màu, họ bị những người Dân chủ biến thành nạn nhân để lợi dụng thu hút phiếu bầu, nhưng cuối cùng chẳng có gì thay đổi cả".

Laverne Gore, 58 tuổi, cử tri Cộng hòa ở Cleveland, lại nói Tổng thống Obama chưa thật sự cố gắng vì người da màu kể từ sau khi bà bỏ phiếu cho ông vào năm 2008.

Gore kể bà đã khóc khi ông Obama được tuyên bố thắng cử nhưng nhanh chóng mất niềm tin vào bộ máy chính quyền Obama bởi ông tập trung nhiều vào quyền của người đồng tính và vấn đề nhập cư hơn là các mối bận tâm của người da màu.

"Tôi cứ thế chờ đợi và cầu nguyện một ngày nào đó ông ấy có thể cho tôi thấy mình quan trọng, con cái tôi quan trọng, hàng xóm tôi, những người da màu, quan trọng", Gore nói. "Nhưng tôi chẳng thấy gì cả".

Mặt khác, sự giàu có của ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa cũng là điểm thu hút trong mắt một số cử tri từng ủng hộ ông Obama.

Theo James Bates, 37 tuổi, nhà kinh doanh ở Cleveland, vì Donald Trump là một tỷ phú, có sức mạnh kinh tế, ông ấy sẽ không bị ảnh hưởng bởi những thế lực khác nếu trở thành tổng thống Mỹ.

Morris tin nhà tài phiệt New York sẽ khiến cuộc sống của ông tốt đẹp hơn. Ông hy vọng Trump sẽ giữ lời, mang đến những việc làm mới với mức lương cao. "Ông ấy sẽ không hứa tạo ra thay đổi rồi để đấy", Morris quả quyết.

Chuyên đề