Thành tích diệt 15 máy bay địch khi tập trận của F-35 gây tranh cãi

Các chuyên gia quân sự cho rằng thông tin máy bay F-35A Mỹ hạ 15 tiêm kích F-16 trong cuộc tập trận Red Flag 17-1 chưa phản ánh đúng khả năng tác chiến của nó.

Các máy bay tham gia tập trận Red Flag 17-1

Truyền thông Mỹ hồi đầu tuần hết lời ca ngợi tiêm kích tàng hình F-35A của không quân nước này khi lập thành tích hạ 15 "máy bay địch" trong khi chỉ mất một chiếc tại cuộc tập trận Red Flag 17-1. Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự đã đặt dấu hỏi về tỷ lệ tiêu diệt 15:1 đầy ấn tượng này, theo The Drive.

Báo cáo của không quân Mỹ cho biết tiêm kích F-35A đã tiêu diệt các máy bay F-16 mang màu sơn của đối thủ một cách dễ dàng khi tham gia đội hình tấn công với sự yểm trợ của các tiêm kích như F-15 và F-22.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Tyler Rogoway chỉ ra một số vấn đề với thành tích của F-35A. Lượng thông tin giới hạn được công bố không cung cấp được bức tranh chính xác và toàn cảnh về khả năng tác chiến của F-35A cũng như để so sánh hiệu quả hoạt động của nó với các loại máy bay khác tham gia tập trận.

Một chiếc F-35A tham gia tập trận. Ảnh:Aviationist.

Chỉ số tiêu diệt thường khiến người ta liên tưởng đến các trận đánh trực tiếp giữa hai phe. Nhưng Red Flag là cuộc tập trận tổng hợp, sử dụng nhiều phương án tác chiến hiệp đồng trên các mặt trận khác nhau. Thành tích 15:1 của F-35A không được nói rõ là do một mình tiêm kích này giành được hay nằm trong khuôn khổ trận đánh với sự yểm trợ của nhiều lực lượng khác.

Red Flag 17-1 có sự góp mặt của tiêm kích tàng hình F-22 từ Phi đoàn số 27, F-15C được trang bị radar mảng pha chủ động APG-63V3 của Phi đoàn số 159, cũng như tiêm kích Typhoon FGR4 của Anh. Đây đều là những máy bay chuyên biệt cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và kiểm soát bầu trời, chưa kể tới sự hỗ trợ của hàng loạt máy bay tác chiến điện tử và trinh sát. Tất cả đều có thể gián tiếp hoặc trực tiếp tham gia vào các trận đánh có mặt F-35A.

Ngay cả khi F-35A đối đầu đơn lẻ với tiên kích F-16C đóng vai địch của Phi đoàn số 64, thành tích này cũng chỉ mang tính tham khảo. Không quân Mỹ không cung cấp thông tin về luật lệ giao chiến, vũ khí được sử dụng, cũng như nhiệm vụ của F-35A khi bắn hạ máy bay địch. Nếu không có những yếu tố này, giới quân sự khó có thể đưa ra kết luận về khả năng chiến đấu thực tế của F-35A.

Tiêm kích F-16C Block 32 đóng vai quân địch là loại máy bay có tính năng kém nhất trong biên chế không quân Mỹ hiện nay. Chúng sử dụng radar đời cũ, không được trang bị hệ thống trinh sát và bám bắt hồng ngoại, loại cảm biến nguy hiểm nhất đối với F-35A. Phi đoàn số 64 cũng phải chiến đấu mà không có hệ thống hỗ trợ hùng hậu như tiêm kích F-35A, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và tấn công mục tiêu.

Tiêm kích F-16C đóng vai địch là loại cũ nhất của Mỹ hiện nay. Ảnh:Flickr.

Cuối cùng, thành tích của F-35A được công bố vào thời điểm bắt đầu tuần thứ hai của Red Flag 17-1. Độ khó của cuộc tập trận được tăng dần theo thời gian, đặt ra thử thách cho các lực lượng tham gia. Điều này khiến tỷ lệ 15:1 của F-35A càng trở nên kém chính xác so với thực tế.

Việc khoe thành tích của mẫu máy bay tốn kém và nhiều vấn đề như F-35 trước đối thủ là tiêm kích 30 năm tuổi như F-16C Block 32 là điều không hề khôn ngoan của các quan chức không quân Mỹ, chuyên gia Rogoway kết luận.

Chuyên đề