Thẩm phán Philippines nêu cách buộc Trung Quốc thực thi phán quyết 'đường lưỡi bò'

Philippines có thể sử dụng các biện pháp ngoại giao và kinh tế để buộc Trung Quốc thực thi các điều khoản trong phán quyết "đường lưỡi bò" của Tòa Trọng tài.
Hình ảnh được cho là oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò". Ảnh: Weibo
Hình ảnh được cho là oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò". Ảnh: Weibo

Theo phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague, yêu sách về "quyền lịch sử" Trung Quốc đưa ra trong "đường 9 đoạn" là vô giá trị, và khoảng 25% vùng biển trong đó là khu vực biển quốc tế, nơi các quốc gia có quyền tự do đi lại trên không và trên biển, dù là tàu dân sự hay quân sự.

Wall Street Journal dẫn phân tích của thẩm phán Antonio T. Carpio thuộc tòa án Tối cao Philippines cho biết, dù không có lực lượng cảnh sát biển quốc tế để thực thi phán quyết, các cường quốc hải quân, dẫn dầu là Mỹ, đã tuyên bố sẽ tiếp tục qua lại tự do trên vùng trời và vùng biển quốc tế ở Biển Đông để thực thi quyền của họ.

Và khi Trung Quốc không thể ngăn các cường quốc này thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không, một phần quan trọng của phán quyết cuối cùng đã được thực thi. Biển Đông không bao giờ là ao nhà của Trung Quốc như tham vọng mà nước này vẽ ra qua "đường lưỡi bò".

Sự bất hợp pháp của "đường lưỡi bò", theo Tòa Trọng tài, còn thể hiện ở chỗ nó bao trùm lên Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines và các nước khác.

Thẩm phán Carpio cho rằng Philippines có thể đàm phán với Trung Quốc để xác định các khu vực chồng lấn trên Biển Đông. Tuy nhiên, nếu đàm phán song phương không thành công, Manila có thể thực hiện một số biện pháp để thực thi phán quyết và bảo vệ lợi ích của mình.

Trong trường hợp một công ty dầu khí Trung Quốc đưa dàn khoan tới khu vực nước này chiếm đóng để khai thác khí đốt, Philippines có thể kiện công ty này ở bất kỳ quốc gia nào mà công ty có tài sản, như Canada, một thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Philippines có thể đề nghị tòa án Canada thu giữ tài sản của công ty dầu khí Trung Quốc ở nước này để đền bù cho những tổn thất mà phía công ty trên gây ra.

Ngoài ra, Philippines cũng có thể yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Tòa Trọng tài từng nêu rõ hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa đối với hệ sinh vật biển ở quần đảo Trường Sa, trong đó có đá Vành khăn và đá Subi thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo UNCLOS, một quốc gia bắt buộc phải có nghĩa vụ pháp lý đối với thiệt hại gây ra cho môi trường biển của quốc gia khác.

Bên cạnh đó, Philippines cũng có thể yêu cầu cơ quan Đáy biển quốc tế (ISA), một tổ chức thành lập theo quy định của UNCLOS, ngừng cấp 4 giấy phép từng cấp cho Trung Quốc để nước này khai thác đáy biển trong vùng biển quốc tế, bên ngoài quyền tài phán của Bắc Kinh.

Theo thẩm phán Carpio, đây cũng là một biện pháp tương đối hữu hiệu, bởi các quốc gia phê chuẩn UNCLOS đã nhất trí chấp thuận rằng ISA và các phán quyết của cơ quan này là một phần không tách rời của UNCLOS.

Nếu Trung Quốc không chấp thuận quyết định của ISA, Manila có thể cáo buộc rằng Bắc Kinh thừa nhận UNCLOS dưới góc độ được khai thác nguồn lực đáy biển nhưng lại bác bỏ các điều khoản liên quan tới giải quyết tranh chấp.

"Cùng với thời gian, phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ cần được thực thi đầy đủ vì thế giới sẽ không chấp nhận một quốc gia đơn lẻ tuyên bố chủ quyền đối với gần trọn một vùng biển có nhiều quốc gia khác giáp ranh. Hành vi vi phạm của Trung Quốc, nếu không được ngăn chặn, sẽ đồng nghĩa với 'cái chết' của Luật Biển quốc tế", thẩm phán Carpio khẳng định. 

Chuyên đề