Thẩm phán Mỹ chặn sắc lệnh di dân của Trump

Một thẩm phán liên bang Mỹ ở San Francisco đã chặn tạm thời sắc lệnh cắt trợ cấp của Tổng thống Trump đối với các địa phương bảo vệ di dân không có giấy tờ cư trú hợp pháp.
Tổng thống Donald Trump đe dọa cắt viện trợ liên bang đối với "các thành phố trú ẩn" bảo vệ di dân bất hợp pháp. Ảnh:AP
Tổng thống Donald Trump đe dọa cắt viện trợ liên bang đối với "các thành phố trú ẩn" bảo vệ di dân bất hợp pháp. Ảnh:AP

Thẩm phán William H. Orrick đã ký một lệnh cấm sơ bộ nhằm ngăn chặn việc thực thi sắc lệnh hành pháp của tổng thống Mỹ liên quan đến vấn đề di dân, AFP hôm nay cho biết.

Quyết định này của thẩm phán Orrick là một đòn nữa giáng mạnh vào chính sách cấm nhập cảnh của ông Trump đối với người dân từ 6 nước Hồi giáo.

Donald Trump ngày 25/1 đã ký sắc lệnh số 13768 trong đó yêu cầu các cơ quan công quyền ở "các thành phố trú ẩn" (Sanctuary Cities) phải hợp tác với chính quyền liên bang bằng cách báo cáo và giúp bắt giữ di dân bất hợp pháp để trục xuất.

Trump đe dọa sẽ cắt trợ cấp liên bang đối với các tiểu bang và thành phố chứa chấp di dân bất hợp pháp.

Mỗi năm, chính phủ tài trợ bang California gần 100 tỷ đô cho nhiều công tác và chương trình hoạt động. Trong đó, Los Angeles nhận được nhiều nhất 22,6 tỷ đô còn San Francisco, thành phố đông dân thứ tư tại California, nhận được 1,2 tỷ đô.

Mặc dù đã chặn sắc lệnh của tổng thống, thẩm phán Orrick lo ngại ông Trump có thể lại tiếp tục dùng nguồn quỹ tài trợ của liên bang làm "vũ khí" để ép các địa phương.

"Theo Hiến Pháp, những vấn đề liên quan đến việc tài trợ phải do Quốc Hội thông qua, vì vậy sắc lệnh (của tổng thống) không có hiệu lực áp các điều kiện trong việc tài trợ như thế nào", thẩm phán nói.

Hơn nữa, Tòa án tối cao đã nhiều lần phán định rằng, theo Tu chính án số 10 của Hiến Pháp Mỹ, chính quyền liên bang không được phép áp đặt các tiểu bang và viên chức địa phương tuân hành lệnh của luật liên bang.

Tổng thống Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử là sẽ trục xuất khoảng 11,3 triệu dân nhập cư bất hợp pháp ra khỏi nước Mỹ. 

Chuyên đề