Tên lửa đạn đạo Triều Tiên nghi dùng hệ thống 'phóng lạnh'

Quân đội Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể đã ứng dụng công nghệ phóng lạnh và nhiên liệu rắn cho quả tên lửa đạn đạo bắn thử hôm 12/2.

Tên lửa Topol-M của Nga dùng phương pháp phóng lạnh

Quân đội Hàn Quốc cho biết quả tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng thử hôm 12/2 có thể là loại hoàn toàn mới, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến từ dự án tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, trong đó có phương pháp "phóng lạnh", theo Reuters.

Theo tình báo Hàn Quốc, tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) của Triều Tiên được chứa trong ống phóng kín và được đẩy ra ngoài bằng khí nén hoặc động cơ phụ ngay khi khai hỏa, hay còn gọi là "phóng lạnh". Sau khi rời khỏi ống phóng, động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn của tên lửa mới được kích hoạt. 

Theo các chuyên gia của Aviation Forum, phóng lạnh giúp đơn giản hóa cơ cấu phóng tên lửa, không gây hư hại nặng đến bệ phóng. Bên cạnh đó, khi sử dụng cùng một loại ống phóng, công nghệ phóng lạnh cho phép thiết kế loại tên lửa lớn và có tầm bắn xa hơn phương pháp truyền thống. Hầu hết các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và phóng từ tàu ngầm (SLBM) trên thế giới đều ứng dụng phương pháp phóng lạnh.

Tên lửa S-300 của Nga sử dụng phương pháp phóng lạnh

Việc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn cũng cho thấy bước tiến khá nhanh của chương trình tên lửa nước này. Động cơ nhiên liệu rắn cỡ lớn đòi hỏi trình độ chế tạo tinh vi với công nghệ cao, nhưng cũng mang lại nhiều lợi ích hơn.

Ưu điểm nổi bật nhất của loại động cơ này là quá trình chuẩn bị phóng rất ngắn, không đòi hỏi thời gian dài như động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng. Nó cung cấp lực đẩy lớn hơn, mang lại tầm bắn xa hơn cho tên lửa đạn đạo. Cơ sở hạ tầng phục vụ loại tên lửa nhiên liệu rắn tương đối nhỏ gọn, dễ dàng che giấu hoặc cơ động khi cần thiết. 

Chuyên đề