Tàu chiến Mỹ trụ vững trước đòn tự sát của 6 máy bay Nhật

Bị 6 máy bay Nhật lao thẳng vào và trúng 4 quả bom trong cuộc tập kích tháng 4/1945 nhưng tàu USS Laffey vẫn sống sót một cách thần kỳ.

 Khu trục hạm USS Laffey trở thành tàu bảo tàng của hải quân Mỹ

Tàu khu trục USS Laffey (DD-724) được coi là một trong những chiến hạm may mắn nhất của hải quân Mỹ. Chiến hạm có biệt danh "con tàu không chịu chìm" này từng trúng tới 6 đòn tấn công tự sát và 4 quả bom chỉ trong một trận đánh ngày 16/4/1945, theo National Interest.

USS Laffey là tàu khu trục thuộc lớp Allen M. Summer với lượng giãn nước 2.200 tấn, được biên chế vào tháng 2/1944, sau đó triển khai đến châu Âu để oanh tạc cứ điểm phòng thủ Đức trong chiến dịch đổ bộ Normandy. Tàu bị một quả đạn pháo Đức bắn trúng nhưng nó may mắn không phát nổ. Sau khi được điều đến Thái Bình Dương, USS Laffey tham gia hỗ trợ chiến dịch giải phóng Philippines cuối năm 1944.

Tháng 4/1945, USS Laffey tham gia lực lượng hỗ trợ trận đánh chiếm đảo Okinawa. Trong trận đánh ngày 14/4/1945, USS Laffey đóng vai trò trạm radar tiền phương, một nhiệm vụ rất nguy hiểm, đòi hỏi nó triển khai ở xa tuyến phòng thủ của hạm đội chủ lực và gần như không được bảo vệ trước tiêm kích phát xít Nhật.

Ngày 15/4, khi ở cách Okinawa khoảng 48 km về phía bắc, với 6 pháo 127 mm đa dụng cùng 12 pháo phòng không 40mm và 20 mm, USS Laffey bắn rơi 13 máy bay, đẩy lùi một cuộc tập kích đường không của Nhật.

Sáng hôm sau, quân Nhật điều 50 máy bay mở cuộc tấn công thứ hai vào USS Laffey. Trong đợt đầu tiên, 4 oanh tạc cơ bổ nhào Aichi D3A lao thẳng vào USS Laffey với ý định tấn công tự sát. Hai chiếc bị pháo 20 mm bắn hạ, trong khi hai chiếc còn lại trượt mục tiêu và đâm xuống biển.

Sau đó, một oanh tạc cơ bổ nhào Yokosuka D4Y bị trúng pháo 127 mm khi đang bổ nhào thả bom, khiến nó bị tiêu diệt nhưng quả bom vẫn phát nổ ngay mạn phải tàu làm kíp pháo thủ bị thương. Ngọn lửa từ vụ nổ bốc lên nhưng nhanh chóng bị dập tắt.

Phi công một máy bay D3A khác cố gắng đâm vào tàu nhưng trượt mục tiêu và lao xuống biển, phát nổ ngay sát mạn phải làm một số thủy thủ bị thương. Một chiếc khác bổ nhào xuống vị trí của kíp pháo số ba, khiến họ bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Tàu chiến Mỹ trụ vững trước đòn tự sát của 6 máy bay Nhật ảnh 1

USS Laffey hư hại nặng sau trận đánh. Ảnh:Tin Feather.

Ngay lúc đó, một chiếc D3A tiếp cận từ mạn trái ở độ cao thấp, lao thẳng vào tháp chỉ huy, loại bỏ một số khẩu pháo và khiến kho đạn pháo 40 mm bốc cháy. "Trong vòng 30 giây, hai chiếc D3A liên tiếp đâm vào phần trên của tàu Laffey, khiến nhiều thủy thủ thiệt mạng", một sĩ quan trên tàu Laffey kể lại.

Nhiều máy bay Nhật tiếp tục áp sát để tiêu diệt USS Laffey. Một oanh tạc cơ D3A lao vào đuôi tàu, trúng tháp pháo 127 mm và phá hủy khu vực này. Chiếc thứ hai tiếp tục đâm vào đúng vị trí này, trong khi chiếc thứ ba bổ nhào thả bom khiến tàu bị kẹt bánh lái. Sau đó có thêm hai oanh tạc cơ Nhật đâm vào tàu.

"Các khẩu pháo vẫn có thể khai hỏa, tôi sẽ không bao giờ bỏ tàu khi chúng vẫn còn hoạt động", thuyền trưởng F. Julian Becton khi đó tuyên bố.

Biên đội chiến đấu cơ FM-2 Wildcat xuất kích từ tàu sân bay USS Shamrock Bay gần đó tìm cách bảo vệ USS Laffey, bắn hạ một số chiến đấu cơ Nhật. Khi hết đạn, họ tiếp tục cơ động cắt mặt để ngăn phi công Nhật thả bom.

Phi đội 12 tiêm kích F4U Corsair tiếp tục xuất kích giải vây cho các chiến đấu cơ Wildcat sau khi Nhật tăng gấp đôi số máy bay tham gia tấn công. Một chiếc Corsair bắn trúng đuôi tiêm kích Ki-43 đang bổ nhào xuống tàu Laffey. Pháo trên tàu bắn hạ tiêm kích này sau khi nó va trúng cột ăng-ten. Chiếc tiêm kích Corsair cũng đâm vào giàn radar của tàu và lao xuống biển, nhưng phi công được cứu sống.

Máy bay Nhật tiếp tục lao thẳng vào tàu Laffey để tung đòn tấn công tự sát. Hải quân Mỹ chặn đứng cuộc tấn công nhằm vào USS Laffey với cái giá không hề rẻ. Chiếc khu trục hạm bị thương nặng, ở tình trạng nửa chìm nửa nổi trên biển với 2/3 trong số 336 thủy thủ trên tàu thiệt mạng, 71 người bị thương. Dù bị 6 máy bay tự sát đâm trúng và hứng chịu 4 quả bom, USS Laffey vẫn sống sót một cách thần kỳ và không chìm xuống biển.

Tàu sau đó được kéo đến đảo Saipan và Trân Châu Cảng, trước khi được đưa về ụ nổi ở Seattle để sửa chữa. Sau đó, nó được triển khai tới cảng San Diego để tiếp tục nhiệm vụ. Tuy nhiên, hai ngày sau khi đến San Diego, USS Laffey va chạm với tàu săn ngầm PC-815 trong sương mù dày đặc, khiến một thủy thủ tàu săn ngầm thiệt mạng.

Tàu chiến Mỹ trụ vững trước đòn tự sát của 6 máy bay Nhật ảnh 2

USS Laffey trong vai trò tàu bảo tàng hiện nay. Ảnh:Flickr.

Sau này, USS Laffey tham gia hỗ trợ các vụ thử bom nguyên tử trên quần đảo Bikini năm 1946, trước khi bị loại biên ngày 9/3/1975 và trở thành bảo tàng nổi ở Nam Carolina, Mỹ.

Chuyên đề