Tăng T-14 Armata bắn hạ đạn xuyên giáp lõi urani nghèo

Hệ thống phòng thủ chủ động trên xe T-14 Armata đánh chặn thành công đạn xuyên giáp lõi urani nghèo, hứa hẹn bước đột phá trong chiến tranh cơ giới.
Tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Nga. Ảnh: RIA
Tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Nga. Ảnh: RIA

Hệ thống phòng thủ chủ động (APS) Afghanit trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Nga đã chứng tỏ sự hiệu quả trong đánh chặn đạn xuyên giáp lõi urani nghèo (APFSDS) hành trình ở vận tốc 1,5-2 km/s, tờ Izvestia dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/9 cho biết.

"Chúng tôi đã chú trọng nhiều đến khả năng đánh chặn đạn xuyên giáp urani nghèo được quân đội NATO sử dụng phổ biến. Hiện nay, hệ thống APS tiếp tục được cải tiến, đặc biệt là các thuật toán máy tính điều khiển việc đánh chặn", nguồn tin quân sự Nga cho hay.

Hạt nhân của hệ thống APS này là radar mảng pha điện tử chủ động do Cục Thiết kế Tula phát triển. Hệ thống này sẽ được trang bị trên tăng chủ lực T-14, xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 trong dòng xe Armata.

Theo chuyên gia quốc phòng Dave Majumdar của National Interest, nếu thông tin này là chính xác, hệ thống phòng thủ chủ động này của Nga sẽ là một bước ngoặt có thể thay đổi cuộc chơi trong chiến tranh cơ giới.

Nhiều xe tăng thế hệ cũ hơn của Nga đã được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động, có thể đối phó hiệu quả với tên lửa chống tăng và súng chống tăng vác vai. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia quốc phòng tin rằng các hệ thống APS này không thể chống lại được đạn mũi tên xuyên (KE) lõi urani nghèo có tốc độ cao, khả năng xuyên giáp lớn như M829A4 120 mm của quân đội Mỹ.

Bởi vậy, nếu Nga thực sự có bước đột phá trong việc đánh bại đạn KE, bộ binh Mỹ và NATO có thể phải đối mặt với một vấn đề rất nghiêm trọng trong vài năm tới khi dòng xe chiến đấu Armata đạt khả năng vận hành đầy đủ. Nhiều khả năng Nga sẽ tích hợp hệ thống Afghanit trên mọi xe chiến đấu của dòng xe Armata, theo Majumdar.

Đạn mũi tên xuyên lõi urani nghèo của quân đội Mỹ. Ảnh: US Army

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích am hiểu về tình hình quân sự Nga tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực trong bản tin tờ Izvestia đăng tải.

"Tôi nghĩ điều này không có thực. Đầu đạn KE có lõi nhọn bằng urani nghèo rất đặc để xuyên phá giáp xe tăng. Hệ thống APS Afghanit sử dụng đạn văng mảnh và không thể đối phó được đạn xuyên giáp uranium nghèo M829A4 mới nhất của Mỹ", Michael Kofman, một nhà nghiên cứu khoa học chuyên về các vấn đề quân sự Nga ở Trung tâm Phân tích Hải quân, nhận định

"Đường đạn có thể chệch hướng khi bị đánh chặn, nhưng việc tiêu diệt nó vẫn gây hoài nghi nếu không có sự kết hợp của giáp phản ứng nổ và giáp tổng hợp", ông này nói.

Chuyên đề