Tài chính thế giới đồng loạt ảnh hưởng vì khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ

Chứng khoán châu Á sáng nay hầu hết đi xuống, euro cũng lập đáy so với USD do đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc.
Nhân viên kiểm tiền tại một quầy đổi ngoại tệ ở Istanbul. Ảnh:Reuters
Nhân viên kiểm tiền tại một quầy đổi ngoại tệ ở Istanbul. Ảnh:Reuters

Tại Nhật Bản - thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á, chỉ số Nikkei 225 hiện mất 1,6%. Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,4% và Shanghai Composite mất 1,2%. Hang Seng Index (Hong Kong) cũng mất hơn 1,4% khi đồng đôla Hong Kong giảm kịch biên độ giao dịch ngày.

Chỉ số MSCI theo dõi toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật) hiện giảm 1,5%. Chỉ số S&P 500 tương lai cũng đi xuống, trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống còn 2,85%.   

Trên thị trường tiền tệ, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ sáng nay tiếp tục lao dốc, xuống thấp kỷ lục so với USD. Sau khi Bộ trưởng Tài chính nước này - Berat Albayrak thông báo họ đã phác thảo một kế hoạch hành động để xoa dịu mối lo của nhà đầu tư, và cơ quan quản lý ngân hàng cho biết đã hạn chế các giao dịch hoán đổi ngoại tệ, đồng lira cũng được hỗ trợ phần nào.

Tuy vậy, giá USD vẫn tăng hơn 13% hôm nay so với lira. Hiện 7,23 lira mới đổi được một USD. Cách đây một tháng, con số này còn quanh 4,84 lira. Các tài sản an toàn khác, như franc Thụy Sĩ và yen Nhật cũng đang được nhà đầu tư mua vào.

Lira Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc do lo ngại Tổng thống nước này - Tayyip Erdogan tăng cường kiểm soát nền kinh tế và quan hệ giữa họ với Mỹ ngày càng xuống cấp. “Đà giảm của đồng lira bắt đầu từ tháng 5 rồi. Theo tình hình hiện tại, nó chắc chắn sẽ kéo kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào suy thoái và có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngân hàng”, Andrew Kenningham - kinh tế trưởng tại Capital Economics dự báo, “Đây có thể là cú sốc mới với tài sản của các nước mới nổi. Dù vậy, tác động kinh tế lan truyền sẽ không lớn, kể cả với eurozone”.

Kenningham lý giải nguyên nhân là GDP Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khoảng 900 tỷ USD, tương đương 1% toàn cầu. Thị trường chứng khoán nước này cũng chỉ có vốn hóa chưa bằng 2% Anh, với 20% thuộc sở hữu của nhà đầu tư ngoại. “Dù vậy, rắc rối tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một tin không mấy tốt đẹp với đồng euro và các nước mới nổi”, ông khẳng định.

Giá euro đã xuống đáy một năm so với USD. Hiện mỗi euro đổi được khoảng 1,137 USD. Đồng tiền các nước mới nổi khác, như peso Argentina và rand Nam Phi cũng chịu tác động từ tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ.

“Các nhà băng tại Tây Ban Nha, Italy và Pháp đều liên quan đến khối nợ bằng ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nợ nước ngoài khổng lồ - trong khi nội tệ đang mất giá, và lạm phát được dự báo tăng mạnh là một sự kết hợp rất nguy hiểm”, các nhà phân tích tại ANZ cho biết.

Chuyên đề