Sụt hơn 7%, giá dầu xuống đáy 15 tháng

Từ mức đỉnh của gần 4 năm thiết lập vào đầu tháng 10, giá dầu WTI đến nay đã “bốc hơi” 40%...
Sụt hơn 7%, giá dầu xuống đáy 15 tháng

Giá dầu thế giới lao dốc trên 7% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, rớt xuống đáy của 15 tháng, khi dữ liệu cho thấy sản lượng dầu của Mỹ và Nga tiếp tục ở mức kỷ lục, và các nhà phân tích đưa ra những cảnh báo mới về sự chững lại của nhu cầu tiêu thụ năng lượng này.

Chốt phiên, giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 3,64 USD/thùng, tương đương giảm 7,3%, còn 46,24 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của loại dầu này kể từ ngày 30/8/2017.

Tại thị trường London, giá dầu Brent sụt 3,35 USD/thùng, tương đương giảm 5,6%, còn 56,26 USD/thùng, mức thấp nhất trong 14 tháng.

Trao đổi với hãng tin CNBC, ông John Kilduff, nhà quản lý quỹ đầu cơ Again Capital nhận định rằng từ vùng giá hiện nay, giá dầu WTI có thể rớt về ngưỡng đáy của năm 2017 là 42 USD/thùng.

"Trên biểu đồ kỹ thuật, không có nhiều sự hỗ trợ cho giá dầu trong khoảng từ 48 đến 42 USD/thùng", ông Kilduff nói. "Đóng cửa dưới mốc 50 USD/thùng là một diễn biến rất quan trọng về mặt kỹ thuật, bởi điều đó làm gia tăng áp lực giảm giá".

Từ mức đỉnh của gần 4 năm thiết lập vào đầu tháng 10, giá dầu WTI đến nay đã "bốc hơi" 40%. Nếu tính từ đầu năm, giá loại dầu này đã giảm 23%.

Về phần mình, giá dầu Brent đã giảm 35% từ mức đỉnh hồi tháng 10 và mất khoảng 16% tính từ đầu năm.

Dầu thô tại thị trường Mỹ đã bị bán tháo từ phiên ngày thứ Hai sau khi công ty dữ liệu thị trường năng lượng Genscape công bố báo cáo cho thấy lượng tồn kho dầu ở Cushing, Oklahoma tăng thêm 1 triệu thùng trong vòng vài ngày. Cushing là kho dầu lớn nhất của Mỹ, nên các dữ liệu về lượng dầu tồn ở đây được xem là một "hàn thử biểu" về nguồn cung.

Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Hai cho thấy sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể lần đầu tiên vượt mức 8 triệu thùng/ngày trong tháng 12 này. Cùng với đó, giới thạo tin nói với hãng tin Reuters rằng Nga đang khai thác dầu với tốc độ 11,42 triệu thùng/ngày, một mức sản lượng kỷ lục.

Để ứng phó với tình trạng dư cung dầu, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga hồi đầu tháng này đã nhất trí sẽ cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ được thực hiện từ tháng 1 năm sau và Nga đã tuyên bố sẽ chỉ cắt giảm sản lượng từ từ.

Nhiều nhà phân tích tin rằng những dấu hiệu về sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang là nguyên nhân chủ đạo kéo giá dầu đi xuống. Nhà phân tích Paul Sankey thuộc Mizuho cho rằng dự báo dù thận trọng của OPEC rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm tới có thể là quá cao.

"Giá dầu yếu vì có nhiều tín hiệu bất lợi về nhu cầu, và việc cắt giảm sản lượng sẽ không có nhiều tác dụng nếu nhu cầu giảm nhiều hơn", ông Sankey nhận định. "Các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục bị cắt giảm, rủi ro suy thoái gia tăng, các thị trường chứng khoán sụt giảm, nhu cầu mua USD phòng ngừa rủi ro tăng. Nhưng yếu tố đó dẫn dắt giá dầu đi xuống do nỗi lo về nhu cầu".

Chuyên đề