Sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi

(BĐT) - Năm 2017, lần đầu tiên kể từ năm 2010, nền kinh tế thế giới lại chứng kiến tốc độ tăng trưởng vượt qua dự đoán, với tăng trưởng GDP toàn cầu vào khoảng 3,7%. Theo dự báo của Goldman Sachs, năm 2018, đà leo dốc này sẽ tiếp tục được giữ vững, thậm chí bứt phá, với tăng trưởng GDP vào khoảng 4%. 
Theo dự báo, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 6,5% trong giai đoạn 2018 – 2019. Ảnh: Nhã Chi
Theo dự báo, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 6,5% trong giai đoạn 2018 – 2019. Ảnh: Nhã Chi

Trong đó, động lực thúc đẩy chính xuất phát từ các yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi trên toàn cầu và sức mạnh trỗi dậy từ các nền kinh tế mới nổi.

Duy trì phong độ

Với nền tảng tài chính đã xây dựng được trong những năm qua, cùng sự hỗ trợ của các chính sách tài khóa, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ duy trì phong độ tăng trưởng trong năm 2018. Theo đó, Goldman Sachs ước tính, tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay vào khoảng 4%. Sức mạnh này được hợp nhất từ sự hồi phục của các nền kinh tế phát triển trên toàn cầu, như đà tăng trưởng của Mỹ (2,5% năm 2018), khu vực châu Âu (2,2%) và Nhật Bản (1,6%).

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự phát triển mạnh mẽ của các thị trường mới nổi toàn cầu, dù có sự cách biệt khá lớn giữa các quốc gia. Trong đó, Ấn Độ, Nga và Brazil được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, trong khi các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá nhanh như Trung Quốc sẽ chững lại. Tuy nhiên, đây là tín hiệu tốt bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chuẩn bị cho đà tăng trưởng bền vững hơn.

Đáng chú ý, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nền kinh tế mới nổi tại châu Á sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 6,5% trong giai đoạn 2018 - 2019, tương đương hoặc nhích nhẹ so với bước tiến năm 2017. Khu vực này tiếp tục đóng góp hơn một nửa cho sức mạnh của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

Lạm phát ổn định

Một trong những bất ngờ lớn đối với kinh tế thế giới trong năm 2017 là dù kinh tế toàn cầu tăng trưởng cao nhưng không hề kéo theo lạm phát. Thay vào đó, có các dấu hiệu cho thấy lạm phát toàn cầu trở nên ổn định hơn. Cụ thể, các khảo sát về nhà quản trị mua hàng tại đa phần các nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy, giá cả hàng hóa tăng trưởng ổn định, không tác động lớn tới lạm phát.

Bên cạnh đó, lạm phát lõi tại khu vực đồng euro có mức tăng chậm trong năm qua và xu hướng này sẽ được giữ vững trong năm 2018. Trong khi ở Nhật Bản, các chính sách thắt chặt hơn thị trường lao động cuối cùng cũng phát huy tác dụng thúc đẩy lạm phát lõi lên theo hướng tích cực trong trung hạn. Điều tương tự cũng diễn ra tại Mỹ. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dù lạm phát chưa đạt mức mục tiêu 2% đề ra, tuy nhiên những diễn biến tại thị trường lao động và giá cả hàng hóa cho thấy, có cơ sở để lạm phát leo lên con số này.

Một yếu tố đáng chú ý là việc giá dầu leo lên mức cao nhất 2 năm qua cũng là một tiền đề tích cực để lạm phát diễn biến theo xu hướng đi lên.

Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến lạm phát duy trì ở mức thấp, trong đó quá trình tự động hóa, những sáng tạo công nghệ tạo nên những bước tiến vượt bậc, chi phí rẻ hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…, tất cả đều đặt ra rào cản cho đà tăng của giá cả. Trong năm 2018, không nhiều chuyên gia dự báo lạm phát sẽ tăng lên mức cao hơn, thay vào đó, ý kiến của số đông là lạm phát ở mức độ ổn định. 

Chủ nghĩa bảo hộ liệu có lên ngôi?

Vào giữa tháng 1/2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo việc tăng thuế lên các tấm pin năng lượng mặt trời và sản phẩm máy giặt nhập khẩu nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất Mỹ. Đây là động thái mới nhất chứng tỏ quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ nền kinh tế nội địa của ông Trump.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cho tới nay, các động thái thể hiện mong muốn “bao bọc” nhà sản xuất trong nước của ông Trump chưa mạnh mẽ như những gì ông từng phát biểu trong chiến dịch tranh cử của mình.

Bên cạnh đó, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2018 diễn ra từ 23/1 - 26/1/2018, tư tưởng bảo vệ nền kinh tế nội địa của ông Trump đã vấp phải nhiều sự chỉ trích từ nguyên thủ các quốc gia khác tham dự hội nghị. Theo đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ cảnh báo ông Trump về những mối nguy hại xuất phát từ chủ nghĩa bảo hộ. Đây cũng là quan điểm chung của nhiều chuyên gia kinh tế, cũng như lãnh đạo các quốc gia tại WEF.

Nếu nước Mỹ tiếp tục phớt lờ những diễn biến này và hành động theo ý chí chủ quan của mình, nhiều khả năng nước Mỹ sẽ không còn tham gia vào bữa tiệc tự do thương mại toàn cầu mới và xuất khẩu của Hoa Kỳ sẽ mất đi rất nhiều thị trường tiềm năng.

Chuyên đề