Sứ mệnh trên vai “người khổng lồ”

(BĐT) - Khoảng cuối năm 2018, doanh nghiệp đạt giá trị nghìn tỷ USD đầu tiên đã xuất hiện và tên tuổi này không khiến thế giới bất ngờ - Apple. 
Với kế hoạch mới, trong 5 năm tới, đầu tư trực tiếp của Apple đối với nền kinh tế Mỹ sẽ tăng từ mức 55 tỷ USD năm 2018 lên hơn 350 tỷ USD
Với kế hoạch mới, trong 5 năm tới, đầu tư trực tiếp của Apple đối với nền kinh tế Mỹ sẽ tăng từ mức 55 tỷ USD năm 2018 lên hơn 350 tỷ USD

Thực tế, các công ty như Apple, Tencent và Samsung đang tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận mỗi năm, với số lượng việc làm khổng lồ, đóng góp đáng kể cho GDP của đất nước. Theo đó, tên tuổi của doanh nghiệp đồng thời cũng nâng tầm thương hiệu quốc gia, trở thành niềm tự hào đối với người dân mỗi khu vực.

Năm 2018, Forbes lần thứ 16 công bố danh sách thường niên 2.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thế giới từ 60 quốc gia. Theo đó, các công ty trong danh sách có doanh thu 39,1 nghìn tỷ USD, lợi nhuận 3,2 nghìn tỷ USD, sở hữu 189 nghìn tỷ USD tài sản và tổng giá trị thị trường đạt 56,8 nghìn tỷ USD. Đáng chú ý, tất cả các chỉ tiêu này đang giữ tốc độ tăng trưởng 2 con số qua mỗi năm, với lợi nhuận tăng tới 28% trong năm vừa qua.

Những con số ấn tượng kể trên phần nào cho thấy, những công ty lớn sở hữu khả năng và sức mạnh đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, đồng thời là nguồn lực cổ vũ cho các doanh nghiệp tại quê nhà cùng phát triển. 

Apple - Cam kết đóng góp rõ ràng

Là doanh nghiệp đầu tiên có giá trị thị trường vượt qua mức 1 nghìn tỷ USD, Apple Inc hiện tại có kích cỡ tương đương hơn 5% GDP của Mỹ, hơn 1% GDP toàn cầu và lớn hơn GDP của 183 quốc gia trong số 199 quốc gia mà Ngân hàng Thế giới (WB) có số liệu.

Với kích cỡ khổng lồ, Apple không chỉ trở thành “tượng đài” để các doanh nghiệp trên toàn cầu hướng tới, mà còn sở hữu sức mạnh để đóng góp cho nền kinh tế trên nhiều phương diện.

Đầu năm 2018, Apple thông báo kế hoạch đầu tư cho nền kinh tế và lực lượng lao động Mỹ, tập trung vào 3 lĩnh vực mà Công ty sở hữu thế mạnh: Tạo việc làm, chi tiêu, đầu tư cho các nhà cung cấp và sản xuất nội địa, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực phần mềm thông qua nguồn lực có sẵn. Hiện tại, Apple đã tạo ra hơn 2 triệu việc làm trên khắp nước Mỹ và kỳ vọng còn có thể làm nhiều hơn vậy.

Với kế hoạch mới, trong 5 năm tới, đầu tư trực tiếp của Apple đối với nền kinh tế Mỹ sẽ tăng từ mức 55 tỷ USD năm 2018 lên hơn 350 tỷ USD, chưa bao gồm các khoản thuế doanh nghiệp, thuế do người lao động của Công ty đóng và doanh số bán sản phẩm. Apple đang làm việc với hơn 9.000 nhà cung cấp lớn nhỏ trên toàn nước Mỹ, mỗi một bộ phận trong các sản phẩm nổi tiếng của hãng đều được sản xuất bằng các nguyên vật liệu tại Mỹ hoặc được cung cấp bởi doanh nghiệp Mỹ.

“Câu chuyện thành công của Apple chỉ có thể xảy ra tại nước Mỹ và chúng tôi tự hào trong việc tiếp tục hỗ trợ hơn nữa đối với nền kinh tế Mỹ. Chúng tôi cảm nhận được trách nhiệm sâu sắc trong việc hồi đáp lại cho quốc gia và những người dân đã góp phần tạo nên thành công ngày hôm nay”, Tim Cook, CEO Apple cho biết.

Đáng chú ý, Apple, với lịch sử hơn 40 năm đầu tư cho giáo dục, cũng có kế hoạch hỗ trợ tích cực hơn nữa trong việc đào tạo nên một thế hệ kỹ sư công nghệ cao mới, tập trung vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, nghệ thuật và toán học.

Samsung đóng góp khoảng 15% GDP của Hàn Quốc trong hơn 1 thập kỷ qua, đóng 12,4 tỷ USD thuế doanh nghiệp năm 2017

Samsung - Vũ khí bí mật của Hàn Quốc

Trên toàn cầu, Samsung là thương hiệu điện thoại di động, thiết bị điện tử nổi tiếng bậc nhất, cạnh tranh trực diện với Apple, vậy nhưng, tại Hàn Quốc, tên tuổi của doanh nghiệp này lớn hơn vậy rất nhiều. Các lĩnh vực kinh doanh của hãng này trải dài tại rất nhiều thị trường, liên quan trực tiếp tới đời sống của các cư dân, với khoảng 80 công ty con. Samsung được xem là biểu tượng của sức mạnh nội lực, là minh chứng cho sự chuyển đổi thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc – từ quốc gia nghèo đói bậc nhất trên thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai trở thành đất nước giàu có, phát triển.

Sáng lập năm 1938, Samsung Group hiện là tập đoàn có lợi nhuận lớn bậc nhất Hàn Quốc. Bắt đầu từ một công ty nhỏ chuyên xuất khẩu hàng hóa (hoa quả, cá khô, mì…) sang Trung Quốc, trong 80 năm qua, Công ty đã đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động gồm điện tử, bảo hiểm, khách sạn, bệnh viện, bất động sản, giáo dục…

Không có gì bất ngờ khi khẳng định, Samsung là một trong những tên tuổi đóng góp công đầu trong việc đưa Hàn Quốc lên “sân khấu” quốc tế và mở rộng hơn nữa các mối quan hệ thương mại trên toàn cầu.
Tất cả các công ty con thuộc Samsung Group chiếm hơn 20% giá trị thị trường của Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, trong đó lớn nhất là Samsung Electronics. Tập đoàn đóng góp khoảng 15% GDP của Hàn Quốc trong hơn 1 thập kỷ qua, đóng 12,4 tỷ USD thuế doanh nghiệp năm 2017, chiếm 23,6% tổng doanh thu thuế doanh nghiệp của quốc gia.

Với vị trí doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, Công ty sở hữu gần 100.000 lao động chính thức. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Tập đoàn đối với thị trường việc làm tại Hàn Quốc lớn hơn con số này rất nhiều bởi Samsung còn có hàng trăm hợp đồng với các công ty liên doanh, liên kết, nhà thầu.

Không có gì bất ngờ khi khẳng định, Samsung là một trong những tên tuổi đóng góp công đầu trong việc đưa Hàn Quốc lên “sân khấu” quốc tế và mở rộng hơn nữa các mối quan hệ thương mại trên toàn cầu.

Nếu đạt mục tiêu phục vụ 2 tỷ khách hàng, tạo ra 100 triệu việc làm và hỗ trợ 10 triệu doanh nghiệp có lợi nhuận, thì Alibaba trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới

Alibaba - Sức mạnh của gã khổng lồ

Alibaba - doanh nghiệp thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc, hiện đang sở hữu 2 nền tảng thương mại điện tử phổ biến bậc nhất là Taobao và Tmall, luôn được nhắc đến với “công lao” tạo nên hàng triệu việc làm, là nguồn cảm hứng cho sự phát triển của nhiều thế hệ doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo một khảo sát bởi Đại học Renmin tại Bắc Kinh, tính riêng các nền tảng thương mại điện tử của Hãng đã tạo ra 31 triệu việc làm. Con số này không tính tới các nhân viên làm việc cho Alibaba, mà chỉ tính tới số lượng việc làm mới được tạo ra ở các hộ kinh doanh, doanh nghiệp bán hàng online thông qua các nền tảng thương mại điện tử của Hãng.

Đáng chú ý, nghiên cứu này chỉ ra việc Alibaba đã tạo nên những hệ sinh thái phái sinh với sức phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, có khoảng 15.000 “nhà máy Taobao” (Tao Factories) - các xưởng sản xuất hàng hóa để bán trên trang Taobao và hơn 1.300 “làng Taobao” (Taobao Villages) - từ được dùng để chỉ các trung tâm thương mại điện tử tại khu vực ngoại thành với hoạt động chính trên trang Taobao của Alibaba. Trong khi đó, có thêm 1,2 triệu việc làm được tạo ra khi các công ty khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ được sử dụng nền tảng Alibaba Cloud.

Theo nghiên cứu mới nhất của hãng tư vấn toàn cầu Boston Consulting Group, tới năm 2035, “nền kinh tế” Alibaba có thể tạo ra khoảng 30% số lượng việc làm tại lĩnh vực kinh tế số của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, theo các nhà quan sát, Alibaba có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới doanh nhân, doanh nghiệp và cả cuộc sống của người dân Trung Quốc không chỉ bởi đã đưa thương mại điện tử đến gần hơn nữa với cuộc sống thường nhật, hiện diện tại mọi lĩnh vực nổi trội, mà còn bởi đã giúp thay đổi cách nhìn của mọi người về hàng hóa Trung Quốc. Theo đó, Jack Ma, người sáng lập Alibaba, trở thành “biểu tượng” của kinh tế Trung Quốc, bởi ông đã giúp mô hình hàng hóa “Made in China” - vốn chịu nhiều định kiến về chất lượng, trở thành “Bought in China” (Mua hàng tại Trung Quốc) - nhận được sự ủng hộ lớn với niềm tự hào của cư dân Trung Quốc.

Không dừng lại ở đó, Alibaba có tham vọng trở thành một “nền kinh tế” với sức mạnh lớn hơn nữa. Jack Ma từng tuyên bố mục tiêu tới năm 2036, Alibaba sẽ tạo ra 100 triệu việc làm và hỗ trợ 10 triệu doanh nghiệp khác làm ăn có lợi nhuận dựa trên các nền tảng điện tử của mình; phục vụ hơn 2 tỷ khách hàng trên toàn cầu, trở thành đối tác tin cậy của người tiêu dùng khắp thế giới.

“Nếu một công ty có thể phục vụ hơn 2 tỷ khách hàng – tương đương 1/5 dân số thế giới; tạo ra 100 triệu việc làm - lớn hơn đa phần các chính phủ có thể làm; hỗ trợ 10 triệu doanh nghiệp có lợi nhuận, thì nó đã trở thành một nền kinh tế”, Jack Ma cho biết. Nếu mục tiêu này đạt được, Alibaba sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản.     

Chuyên đề