Sự im ắng bất thường của ngoại giao Mỹ dưới thời Trump

Ngành ngoại giao Mỹ vốn có truyền thống hoạt động sôi nổi, lại không có bất cứ tuyên bố và động thái nào về các vấn đề quốc tế kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức.
Bộ trưởng Ngoại goao MỹRex Tillerson và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:AFP
Bộ trưởng Ngoại goao MỹRex Tillerson và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:AFP

Được thành lập từ năm 1789, Bộ Ngoại giao Mỹ là một cơ quan nhiều uy tín và có tầm ảnh hưởng rất lớn trong các lĩnh vực chính trị và quản lý nhà nước. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, cơ quan có truyền thống thường xuyên lên tiếng về những sự kiện thời sự quốc tế dù nhỏ nhất này lại tỏ ra im ắng một cách bất thường, theo AFP.

Bình luận viên Nicolas Revise nhận định rằng trong khi ông Trump giữ thế độc quyền về việc đưa ra các quan điểm chính sách đối ngoại, thì Bộ Ngoại giao Mỹ, mà nhân sự hầu như đã được kiện toàn, lại không có bất cứ động thái nào trong suốt hai tuần qua.

Được Quốc hội chính thức phê chuẩn vào ngày 1/2, Ngoại trưởng thứ 69 của nước Mỹ Rex Tillerson, người chưa từng có kinh nghiệm trên chính trường, dường như vẫn đang tự "nhốt mình" tại phòng làm việc đặt tại tầng 7 trụ sợ bộ ở phía nam thủ đô Washington.

Kể từ khi nhậm chức, ông Tillerson chưa có bất cứ phát biểu công khai nào trước công chúng ngoại trừ bài diễn văn trước 2.000 nhân viên mới ngày 2/2.

Tuy nhiên, trong bài diễn văn duy nhất này, tân Ngoại trưởng Mỹ không không đề cập đến những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của cường quốc số một thế giới trong thời gian tới.

Ông Tillerson cũng mới chỉ thực hiện một vài cuộc gặp gỡ và điện đàm mang tính xã giao với những người đồng cấp nước ngoài. Chương trình nghị sự hàng tuần của ông cũng chỉ bao gồm các cuộc họp nội bộ, chứ không có bất kỳ hoạt động nào khác.

Cũng kể từ ngày 19/1, báo chí Mỹ cũng không được quyền tiếp cận và đưa tin về các cuộc họp thường nhật do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao chủ trì.

Trong hàng chục năm qua, đây là hoạt động được phát trực tiếp trên truyền hình, được các mạng xã hội Mỹ theo dõi sát sao, nhằm mục đích để ngành ngoại giao đưa ra lập trường về các cuộc khủng hoảng và xung đột trên toàn cầu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao của chính quyền Tổng thống Barack Obama John Kirby đã về hưu, nhưng trợ lý của ông là Mark Toner, một nhà ngoại giao kỳ cựu hiện vẫn công tác. Nhưng bản thân ông Toner cũng không biết bao giờ các cuộc họp báo này tái khởi động

"Chúng tôi tiếp tục làm việc với Nhà Trắng nhằm nối lại nhanh nhất các cuộc họp báo thường nhật này", ông Toner nói.

Theo Jeffrey Rathke, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống George W. Bush năm 2001 cũng như giữa Bush và Obama năm 2009, các cuộc họp báo này được nối lại chỉ vài ngày sau khi tân tổng thống nhậm chức.

Rathke cho rằng các cuộc họp báo của Phát ngôn viên Nhà Trắng, vốn chuyên về lĩnh vực đối nội không thể thay thế các cuộc họp của Bộ Ngoại giao.

"Mỗi ngày, trên thế giới, có rất rất nhiều chủ đề lớn nhỏ liên quan trực tiếp đến lợi ích của Mỹ. Không xử lý công khai những vấn đề này nghĩa là tự đánh mất vị thế", ông Rathke nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên thệ nhậm chức

Nhiệm vụ khó khăn

Trên thực tế, Nhà Trắng không thể đơn phương đề ra đường lối đối ngoại của Mỹ, mà cần phải có sự phối hợp của Hội đồng An ninh Quốc gia và chính quyền của ông Trump.

Thắng cử tổng thống nhờ hàng loạt những cam kết mang tính dân túy và bảo hộ, những động thái đầu tiên của Tổng thống thứ 45 của Mỹ trong hai tuần đầu nắm quyền đã khiến dư luận trong nước và quốc tế phải sững sờ, mặc dù đường hướng đối ngoại của chính quyền Washington vẫn chưa được định hình rõ ràng.

Ông Trump đã điện đàm với một số nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà ông thường xuyên bày tỏ ý định xích lại gần.

Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng không ngần ngại khuấy động các hồ sơ quốc tế căng thẳng, đặt Ngoại trưởng Mỹ Tillerson trước một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và rắc rối.

Thông qua Twitter, ông Trump liên tục đưa ra những tuyên bố mang tính khiêu khích, không chỉ nhằm vào những đối thủ như Trung Quốc, Triều Tiên và Iran, mà còn cả với các đồng minh và đối tác của Mỹ như Australia, Mexico và Đức.

Sắc lệnh cấm công dân 7 nước Hồi giáo lớn nhập cảnh vào Mỹ của ông Trump cũng châm ngòi cho một sự phản kháng chưa từng có của Bộ Ngoại giao Mỹ. Hơn 900 nhân viên bộ này đã ký vào bản kiến nghị phản đối sắc lệnh của Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao Mỹ đánh giá rằng đây chỉ là sự phản kháng mang tính chất quan liêu, hành chính, không những không có hiệu quả thực tế mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của bộ.

"Cuộc nổi loạn này không thể ngăn cản hoạt động của Bộ Ngoại giao, nhưng đã làm chậm lại nhịp làm việc của các nhân viên cơ quan này", một cán bộ ngoại giao cao cấp nhận định.

Chuyên đề