S&P 500 và Dow Jones giảm điểm sau cuộc họp FED

Mức tăng mạnh của cổ phiếu Apple không đủ để bù lại sự đi xuống của cổ phiếu năng lượng và công nghiệp...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, khi mức tăng mạnh của cổ phiếu Apple không đủ để bù lại sự đi xuống của cổ phiếu năng lượng và công nghiệp. Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu sẽ nâng lãi suất vào tháng 9.

Trong khi đó, cổ phiếu công nghệ đi lên mạnh mẽ, kéo chỉ số Nasdaq tăng - hãng tin Reuters cho hay.

Không nằm ngoài dự báo, FED giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này, đồng thời khẳng định lại quan điiểm rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng vững vàng và thị trường việc làm tiếp tục thắt chặt. Ngoài ra, FED cũng nhấn mạnh việc lạm phát đã duy trì gần mục tiêu 2% kể từ khi ngân hàng trung ương này nâng lãi suất lần gần đây nhất hồi tháng 6.

"FED cho thấy họ sẵn sàng để cho nền kinh tế tăng trưởng hơi nóng một chút, miễn là họ không nhận thấy sẽ xảy ra tình trạng lạm phát tăng mạnh. Nếu triển vọng lạm phát tăng mạnh, đó sẽ là một trở ngại lớn đối với xu hướng thị trường giá lên hiện nay của chứng khoán Mỹ", chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách thị trường toàn cầu Bob Baur thuộc Principal Global Investors phát biểu.

Nhóm cổ phiếu công nghệ tăng kéo Nasdaq đi lên và tạo một cú huých cho S&P 500 và Dow Jones, nhưng những lo ngại về xung đột thương mại gia tăng trong ngày thứ Tư, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất áp thuế suất 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thay vì mức 10% như dự kiến ban đầu.

Các quan chức Mỹ nói rằng ông Trump đã chỉ thị đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer xem xét kế hoạch tăng thuế trên như một nỗ lực nhằm đảm bảo rằng Washington "có sẵn công cụ cần thiết để khuyến khích Trung Quốc thay đổi hành động của họ".

Về phần mình, Trung Quốc gọi động thái này của Mỹ là "tống tiền", đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng.

"Rõ ràng, nhiều doanh nghiệp đang ngày càng lo ngại về hướng đi của cuộc xung đột thuế quan", ông Bernard Bauhohl, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của Economic Outlook Group ở New Jersey, phát biểu. "Nếu căng thẳng thương mại tiếp tục phủ bóng lên cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, thì đó sẽ là một điều thảm họa đối với Đảng Cộng hòa".

Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 6/11.

Những cổ phiếu nhạy cảm với thương mại đồng loạt giảm sau thông tin trên, khiến chỉ số công nghiệp thuộc S&P 500 mất 1,3%.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,32%, còn 25.333,82 điểm. S&P 500 giảm 0,1%, còn 2.813,36 điểm. Nasdaq tăng 0,46%, còn 7.707,29 điểm.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 8 nhóm kết thúc phiên trong trạng thái giảm.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2018 ở Phố Wall đã trôi qua 2/3, và giới phân tích ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết thuộc S&P 500 tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng 20,7% đưa ra cách đây 1 tháng.

Cổ phiếu Apple đạt mức kỷ lục mọi thời đại trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, nhờ kết quả kinh doanh khả quan công bố hôm thứ Ba. "Quả táo" đang tiến rất gần mốc vốn hóa 1 nghìn tỷ USD.

Nhóm cổ phiếu tài chính cũng tăng sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức 3% lần đầu tiên kể từ hôm 13/6.

Nhóm cổ phiếu năng lượng chịu sức ép giảm mạnh do giá dầu giảm sau khi thống kê cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tăng và sản lượng khai thác dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cao hơn dự báo.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,74 lần số mã tăng giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,07 lần.

Có tổng cộng 6,83 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ phiên này, so với mức 6,21 tỷ cổ phiếu bình quân mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề