Sĩ quan Đức băng bãi mìn cứu mạng lính Mỹ

Trung úy Lengfeld của Đức liều mình băng qua bãi mìn để cứu một lính Mỹ đang bị thương, sau đó thiệt mạng vì đạp phải mìn.
Xe tải quân sự củaMỹ trong trận chiến ở rừngHurtgen. Ảnh:War History.
Xe tải quân sự củaMỹ trong trận chiến ở rừngHurtgen. Ảnh:War History.

Một ngày tháng 10/1994, cảnh tượng kỳ lạ xuất hiện tại nghĩa trang chiến tranh ở Hurtgen, Đức, nơi chôn cất hàng nghìn lính phát xít Đức trong Thế chiến II. Một nhóm cựu binh Mỹ thuộc Trung đoàn bộ binh 22 kính cẩn cúi mình trước ngôi mộ của một sĩ quan Đức, người đã thiệt mạng khi băng qua bãi mìn để cứu lính Mỹ trong trận chiến ác liệt, theo War History.

Trận đổ bộ Normandy tháng 6/1944 giúp quân Đồng minh xuyên thủng phòng tuyến của phát xít Đức, tiến sâu vào lãnh thổ do địch kiểm soát. Nhưng càng đến gần nước Đức, quân Đồng minh lại càng xa tuyến tiếp tế, khiến đà tấn công bị chậm lại, cho phép quân đội Đức có thời gian để xốc lại đội hình chiến đấu.

Đến tháng 9/1944, các quân đoàn của Mỹ bị lực lượng phòng thủ Đức cầm chân ở ngoại ô thành phố Aachen. Lo ngại quân Đức phá hủy đập Ruhr ở thượng nguồn để nhấn chìm quân Đồng minh, các chỉ huy Mỹ quyết định cho quân băng rừng Hurtgen rậm rạp với những ngọn đồi dốc và khe núi sâu để tiếp cận con đập.

Đối mặt với họ là hai sư đoàn bộ binh của Đức phòng ngự trong các hệ thống lô cốt, công sự, bãi mìn, hàng rào dây thép gai và các cạm bẫy khác nhau. Thế trận phòng thủ này giúp quân Đức giữ thế chủ động, dù quân số ít hơn phía Mỹ tới 5 lần.

Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11, các đơn vị cấp trung đoàn, sư đoàn của Mỹ liên tiếp mở các cuộc tấn công vào trận địa phòng ngự của Đức nhưng thất bại và hứng chịu thương vong nặng nề, buộc họ phải lui lại củng cố lực lượng.

Trung úy Friedrich Lengfeld là người đã chỉ huy một đại đội Đức tham gia các trận đánh ác liệt gây thiệt hại nặng cho phía Mỹ. Đại đội này đóng tại một khu nhà kiểm lâm trong rừng, bên ngoài là một bãi mìn.

Trong một cuộc tấn công, trung đoàn 12 Mỹ chiếm được khu nhà kiểm lâm, buộc đại đội của Lengfeld rút lui. Sau khi hội quân, Lengfeld quyết định phản công vào sáng hôm sau, đánh bật quân Mỹ ra khỏi khu nhà vừa chiếm được.

Trung úy Friedrich Lengfeld và lực lượng phòng thủĐức trong rừngHurtgen. Ảnh:War History.

Trong khi rút quân, một lính Mỹ chạy ngay vào bãi mìn bên ngoài khu nhà và bị thương nặng, nhưng vẫn sống sót và kêu cứu. Cạnh bãi mìn này là lối đi an toàn nằm dưới tầm khống chế của ụ súng máy Đức. Lengfeld ra lệnh cho xạ thủ súng máy không được bắn bất kỳ lính Mỹ nào đến giải cứu đồng đội.

Nhiều giờ trôi qua nhưng không có ai đến cứu, người lính Mỹ kêu gào thảm thiết khiến Lengfeld không thể cầm lòng nên quyết định đến cứu. Trung úy này dẫn đầu một đội cứu thương men theo lối đi an toàn để tiếp cận với bãi mìn.

Đích thân Lengfeld tiến vào bãi mìn để giúp đỡ người lính Mỹ bị thương. Tuy nhiên trong một phút giây bất cẩn, Lengfeld giẫm phải một quả mìn chống bộ binh chôn dưới đất. Tiếng nổ chát chúa vang lên, viên sĩ quan Đức bị hất văng ra phía sau.

Đội cứu thương Đức nhanh chóng đưa Lengfeld trở lại khu nhà nhưng đã quá muộn. Các mảnh mìn găm sâu vào lưng Lengfeld khiến nội tạng bị tổn thương nghiêm trọng, ông thiệt mạng ngay tối hôm đó. Danh tính người lính Mỹ gặp nạn không được tiết lộ.

Dù vậy, các binh sĩ Trung đoàn 22 vẫn cảm kích trước hành động nhân đạo và anh hùng của Lengfeld. Ngày 7/10/1994, nhân kỷ niệm 50 năm ngày diễn ra trận đánh rừng Hurtgen, một trong những trận chiến dài nhất trong Thế chiến II, các cựu binh trung đoàn 22 đã đến nghĩa trang cạnh rừng để tưởng niệm Lengfeld .

Mộ của Friedrich Lengfeld ngày nay

 

Chuyên đề