Saudi Arabia tuyên bố thiệt hại hàng trăm tỷ USD vì tham nhũng

Có vẻ như Saudi Arabia đang chuẩn bị cho một cuộc điều tra tham nhũng kéo dài...
Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Tình trạng tham nhũng của các nhân vật hoàng gia và quan chức Saudi Arabia đã khiến quốc gia vùng Vịnh này thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD trong vài thập kỷ qua.

Theo hãng tin CNN, ước tính thiệt hại trên được ông Sheikh Saud Al Mojeb, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Saudi Arabia đưa ra ngày 9/11.

Ông Mojeb cũng cho biết 208 cá nhân đã bị thẩm vấn trong cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn đang diễn ra ở nước này. Đã có 7 người trong số này được thả mà không chịu bất kỳ lợi buộc tội nào.

"Dựa trên các cuộc điều tra trong 3 năm qua, chúng tôi ước tính ít nhất 100 tỷ USD đã bị sử dụng sai mục đích do tham nhũng có hệ thống và biển thủ trong mấy thập kỷ qua", vị Bộ trưởng nói. "Đã có bằng chứng rõ ràng cho những hành động sai trái này, khẳng định nghi ngờ dẫn tới việc nhà chức trách tiến hành điều tra".

Cuối tuần trước, cơ quan chức năng Saudi Arabia đã bắt giữ hàng chục nhân vật hoàng gia, doanh nhân và quan chức chính phủ cấp cao - trong một động thái thanh trừng tham nhũng gây chấn động.

Trong số những người bị bắt có hoàng tử Alwaleed bin Talal, người giàu nhất Trung Đông; ông Khaled Al-Tuwaijri, cựu chánh án tòa án hoàng gia; và ông Waleed Al-Ibrahim, một "đại gia" truyền thông.

Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia đã đóng băng tài khoản cá nhân của những người bị điều tra. Ngoài ra, còn có tin nhà chức trách Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đề nghị các ngân hàng nước này cung cấp thông tin về tài sản được gửi của 19 nhân vật hoàng gia và quan chức Saudi Arabia.

Có vẻ như Saudi Arabia đang chuẩn bị cho một cuộc điều tra tham nhũng kéo dài. Một số người bị bắt được cho là đang bị tạm giữ ở khách sạn 5 sao Ritz Carlton ở Riyadh, nơi đã ngừng nhận đặt phòng từ cuối tuần trước cho tới tận ngày 1/2/2018.

Các vụ bắt giữ diễn ra sau khi thành lập một ủy ban chống tham nhũng mới do thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu. Ủy ban này có quyền điều tra, bắt giữ, ra lệnh hạn chế đi lại, và đóng băng tài sản của các nghi phạm tham nhũng.

Giới chức Saudi Arabia nói các vụ bắt giữ này là một phần trong nỗ lực nhằm củng cố quyền lực của thái tử Mohammed, theo đó giúp vị vua tương lai 32 tuổi thúc đẩy cải tổ nền kinh tế và giảm bớt sự phụ thuộc của Saudi Arabia vào dầu lửa. Đến nay, đã có nhiều thay đổi lớn được thực hiện ở quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới này, bao gồm cắt giảm trợ cấp, ban hành thuế mới, và chấm dứt lệnh cấm phụ nữ lái xe.

Chuyên đề