Quan hệ Mỹ-Trung “tan băng” trước cuộc gặp thượng đỉnh?

Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc đối thoại an ninh cấp cao song phương vào ngày thứ Sáu tuần này...
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa tay để bắt tay nhau tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11/2017 của ông Trump - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa tay để bắt tay nhau tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11/2017 của ông Trump - Ảnh: Reuters.

Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc đối thoại an ninh cấp cao song phương vào ngày thứ Sáu tuần này, sau một thời gian trì hoãn.

Động thái trên được xem là dấu hiệu mới nhất về sự "tan băng" trong quan hệ giữa hai nước trước thềm cuộc gặp dự kiến diễn ra vào cuối tháng này giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình - hãng Reuters đưa tin.

Việc Washington và Bắc Kinh nối lại đối thoại cấp cao sau một thời gian gián đoạn, bắt đầu từ cuộc điện đàm vào tuần trước giữa ông Trump và ông Tập, đang mở ra cơ hội đạt một thỏa thuận để xuống thang cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giới phân tích cho rằng khả năng đạt một thỏa thuận Mỹ-Trung vẫn còn khá bấp bênh vì hai nước còn giữ thái độ "nước đôi". Phát biểu sáng 6/11, Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán với Mỹ về thương mại. Trước đó, vào ngày 5/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngầm phê phán chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump.

Cuối tuần trước, có tin ông Trump muốn đạt thỏa thuận ngay trong cuộc gặp với ông Tập ở Argentina bên lề thượng đỉnh G20. Nhưng sau đó, cố vấn kinh tế cấp cao Nhà Trắng lại bác bỏ thông tin này.

Tuy vậy, mối quan hệ Mỹ-Trung vẫn đang có thêm dấu hiệu khởi sắc. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì, và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa sẽ tham dự đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung trong tuần này tại Washington.

Tháng trước, Trung Quốc nói rằng hai bên đã nhất trí "về nguyên tắc" về tổ chức cuộc đối thoại trên trong tháng 10, nhưng cuộc đối thoại đã bị hoãn lại theo đề nghị của Washington trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước gia tăng.

Ngoài ra, ông Mattis đáng lẽ đã có một cuộc gặp với ông Ngụy ở Bắc Kinh trong tháng 10, nhưng cuộc gặp đã bị hoãn sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với một đơn vị quân đội Trung Quốc vì mua vũ khí Nga.

Hôm 18/10, trong một cuộc gặp ở Singapore, ông Mattis đã gặp ông Ngụy và nói với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc rằng Mỹ-Trung cần đẩy mạnh đối thoại cấp cao để tránh rủi ro xung đột.

Trong cuộc chiến thương mại hiện nay, Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế cao hơn đối với 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy hàng rào thuế quan Mỹ bắt đầu ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế Trung Quốc. Cùng với đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh và đồng Nhân dân tệ rớt giá.

Về phần mình, Mỹ gần như không thể tiếp tục xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc, trong khi đậu tương là nông sản xuất khẩu lớn nhất của Mỹ và Trung Quốc vốn là quốc gia mua nhiều đậu tương Mỹ nhất.

Tham dự hội chợ nhập khẩu ở Thượng Hải, ông Jim Sutter, Giám đốc điều hành (CEO) Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Mỹ, nói với Reuters rằng Mỹ và Trung Quốc đều hiểu sự cần thiết phải duy trì quan hệ song phương.

"Tôi cho rằng hai bên đã trở nên lạc quan hơn sau cuộc gọi vào tuần trước, tin rằng sẽ tìm được một dạng giải pháp nào đó cho vấn đề", ông Sutter phát biểu.

Chuyên đề