Quân đội Trung Quốc có thể ngậm quả đắng nếu cải tổ bất thành

Để thực hiện tham vọng cải tổ lớn theo mô hình của Mỹ, quân đội Trung Quốc sẽ phải vượt qua những thách thức và tranh cãi suốt nhiều thập kỷ.
Ông Tập Cận Bình trao cờ cho các chỉ huy đơn vị quân đội mới thành lập. Ảnh:SCMP
Ông Tập Cận Bình trao cờ cho các chỉ huy đơn vị quân đội mới thành lập. Ảnh:SCMP

Mới đây, SCMP dẫn lời một đại tá nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc (PLA) cho hay lục quân nước này sẽ trải qua đợt tái tổ chức rất lớn, xóa bỏ 18 quân đoàn để xây dựng mô hình 25-30 sư đoàn theo kiểu Mỹ, hướng tới xây dựng một lực lượng bộ binh gọn nhẹ, tinh nhuệ và cơ động hơn.

Đây là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thay đổi cấu trúc chỉ huy của quân đội, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và tính linh hoạt của lực lượng tác chiến. Giới phân tích quốc tế nhận định quân đội Trung Quốc sẽ có diện mạo hoàn toàn khác sau cuộc đại cải tổ này, với hai kịch bản có thể xảy ra.

Trong kịch bản thứ nhất, quân đội Trung Quốc được tổ chức, sắp xếp lại sẽ trở thành một lực lượng tác chiến hiệu quả hơn trên nhiều khía cạnh và nhiều kịch bản chiến tranh khác nhau, kể cả xung đột xảy ra trên Biển Đông hay đảo Đài Loan, theo Joel Wuthnow, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quân đội Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ.

Trong bài bình luận trên ChinaFile, ông Wuthnow cho rằng theo kế hoạch cải tổ của ông Tập, PLA sẽ chuyển mình từ một lực lượng chủ yếu tập trung vào lục quân trở thành một đội quân có sự cân bằng hơn giữa các quân chủng hải, lục, không quân và lực lượng tên lửa. Hải quân và không quân sẽ được tăng cường quân số, ngân sách, trong khi lục quân bị cắt giảm đáng kể. Điều đó sẽ cho phép PLA có khả năng hoạt động trên không và trên biển xa hơn.

Dennis J. Blasko, cựu tùy viên quân sự Mỹ ở Bắc Kinh và Hong Kong, cho rằng cuộc đại cải tổ của PLA nhằm khắc phục những nhược điểm cố hữu của quân đội Trung Quốc, đó là "hai yếu" và "5 khó". "Hai yếu" là khả năng chiến đấu của binh sĩ và năng lực chỉ huy của cán bộ trong môi trường chiến tranh hiện đại còn yếu kém. "5 khó" là nhiều chỉ huy cấp cao khó đánh giá tình hình, khó nắm bắt được ý định của cấp trên, khó đưa ra quyết định tác chiến, khó triển khai quân, và khó đối phó với tình huống bất ngờ.

Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược mới thành lập sẽ cải thiện khả năng tích hợp năng lực tác chiến điện tử, không gian mạng, vũ trụ vào các chiến dịch chiến đấu, cho phép quân đội Trung Quốc nhắm mục tiêu vào đối phương chính xác hơn, phá hoại các mạng lưới và cảm biến của đối thủ.

Hệ thống chỉ huy, kiểm soát của PLA cũng hiện đại hơn, trong đó các lực lượng từ tất cả quân binh chủng có thể hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với nhau. Điều đó có thể giúp PLA tăng khả năng tiến hành các chiến dịch hiệp đồng phức tạp, chẳng hạn như chiến dịch đổ bộ chiếm đảo quy mô lớn.

Với nguồn kinh phí dồi dào và các trang thiết bị hiện đại hơn, PLA cũng đang tìm cách đẩy hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của mình ngày càng ra xa bờ biển hơn. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng các trạm radar cao tần hiện đại trên các đảo nhân tạo phi pháp bồi lấp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mạng lưới các trạm radar hiện đại này có thể kiểm soát, giám sát phần lớn diện tích Biển Đông, nơi rất nhiều tàu thuyền quân sự, dân sự của các nước đi qua.

Đội danh dự ba quân chủng Trung Quốc tham gia duyệt binh. Ảnh:Reuters

Kết hợp với nhau, tất cả các yếu tố đó sẽ đặt ra những thách thức mới cho Mỹ trong trường hợp xung đột nổ ra trên Biển Đông hoặc đảo Đài Loan, theo ông Wuthnow. Quân đội Mỹ có thể phải đối mặt với lực lượng không quân, hải quân lớn hơn, trang bị tốt hơn của PLA, cùng mạng lưới A2/AD được tổ chức chặt chẽ hơn của Trung Quốc.

Trở ngại

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng kinh nghiệm lịch sử cho thấy cuộc cải tổ quân đội đầy tham vọng này của Trung Quốc sẽ phải trải qua rất nhiều trở ngại, và trong kịch bản thứ hai, PLA có thể phải hứng chịu hậu quả tiêu cực nếu các mục tiêu cải tổ không đạt được.

Theo chuyên gia Wuthnow, một trong những trở ngại lớn nhất là tình trạng ganh đua nhau giữa các quân binh chủng. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, quân chủng nào cũng muốn giành miếng bánh ngân sách lớn hơn và cố níu giữ những đặc quyền của mình. Sự ganh đua đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phối hợp, hiệp đồng tác chiến trong quân đội.

Thử thách thứ hai chính là tư tưởng coi trọng lục quân đã ăn sâu bám rễ trong PLA. Theo ông Blasko, học thuyết quân sự từ trước tới nay của Trung Quốc đều đề cao tư tưởng "đất liền trọng hơn biển", và PLA có thể phải mất vài thập kỷ mới có thể thay đổi hoàn toàn được tư tưởng này.

Bất chấp cuộc cải tổ, lục quân vẫn là quân chủng lớn nhất trong PLA, và hầu hết các tướng lĩnh cấp cao nhất trong quân đội đều có xuất thân từ lục quân. Thực tế này có thể cản trở mong muốn xây dựng một tư tưởng chung, nơi tất cả các quân chủng đều được coi trọng như nhau, Wuthnow nhận định. Quan trọng hơn, PLA chưa từng trải qua trận chiến lớn nào suốt hơn 35 năm qua, đồng nghĩa với việc các hệ thống tổ chức, học thuyết quân sự của họ chưa được thử lửa trên chiến trường.

James Holmes, giáo sư khoa Chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết ngay cả đối với những quân đội hiện đại như Mỹ, quá trình cải tổ, tái cấu trúc cũng không hề diễn ra dễ dàng. Cuối thập niên 1940, Mỹ đã thành lập Bộ Quốc phòng với mục tiêu cơ bản như Trung Quốc đang theo đuổi hiện nay.

Tuy nhiên, những rắc rối trong quá trình cải tổ đã khiến tướng Doughlas MacArthur gặp rất nhiều khó khăn trong việc chỉ huy, điều hành lực lượng quân sự trong cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên nổ ra năm 1950. Tình hình tồi tệ đến mức tướng MacArthur đã công khai chỉ trích các lãnh đạo dân sự vì những thay đổi nửa vời đối với các lực lượng tác chiến.

Đến thập niên 1980, Quốc hội Mỹ ra đạo luật Goldwater-Nichols trong nỗ lực hoàn thiện kế hoạch tái cấu trúc quân đội vốn đang dở dang từ suốt 40 năm trước. Đến nay, quân đội Mỹ vẫn chưa hoàn toàn khắc phục được các vấn đề về cấu trúc chỉ huy, kiểm soát từ cuộc cải tổ đó, và các nghị sĩ vẫn đang bàn bạc khả năng áp dụng lại đạo luật Goldwater-Nichols.

Bởi vậy, giáo sư Holmes cho rằng ngay cả khi Trung Quốc chuyển đổi PLA thành một lực lượng liên quân nhanh gấp đôi tiến độ của Mỹ, họ vẫn có thể mất tới vài thập kỷ để hoàn thành quá trình này.

Trong quá trình đó, chắc chắn các tướng lĩnh của PLA sẽ phải trải qua những cuộc tranh luận rất gay gắt về học thuyết quân sự và quan điểm chỉ huy, kiểm soát. Theo Đô đốc J. C. Wylie, chiến lược gia quân sự của hải quân Mỹ, các chỉ huy quân sự có quan điểm chiến lược, chiến thuật, chiến dịch rất khác nhau, và chịu ảnh hưởng lớn từ đơn vị xuất thân của họ.

Binh sĩ Trung Quốc tham gia huấn luyện quân sự. Ảnh:Chinanews

Chẳng hạn như tướng lục quân luôn chú ý đến địa hình địa vật và tầm quan trọng của bộ binh trong đánh chiếm và kiểm soát lãnh thổ, trong khi chỉ huy hải quân chỉ quan tâm đến việc kiểm soát các tuyến đường biển, còn tướng không quân lại chú trọng hơn đến khả năng kiểm soát từ trên cao các sự kiện diễn ra bên dưới. Việc tìm được tiếng nói chung giữa các tướng lĩnh này sẽ là một quá trình rất gian nan, đòi hỏi nhiều nỗ lực chính trị của các lãnh đạo Trung Quốc.

Bởi vậy, giáo sư Holmes cho rằng kết quả kế hoạch cải tổ PLA hiện nay phụ thuộc rất lớn vào khả năng chế ngự các chỉ huy quân chủng của lãnh đạo Trung Quốc. "Nếu họ thành công, đó sẽ là một kỳ công trong nhiều thế hệ. Nhưng nếu họ thất bại, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với một hành trình dài, chậm chạp, đầy quan liêu, cùng sản phẩm là một lực lượng liên quân không thể phát huy hết tiềm năng của mình", Holmes nhấn mạnh. 

Chuyên đề