Quân bài ít ỏi của Trump chống lại tên lửa đạn đạo Triều Tiên

Ông Trump nắm trong tay rất ít biện pháp khả dĩ để có thể đối phó hiệu quả với các cuộc thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Một vụ phóng thử tên lửacủa Triều Tiên. Ảnh:Reuters
Một vụ phóng thử tên lửacủa Triều Tiên. Ảnh:Reuters

Triều Tiên ngày 12/2 bất ngờ phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung đúng vào lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang nghỉ cuối tuần tại khu biệt thự nghỉ dưỡng ở Florida. Đây được coi là phép thử lớn nhất về chính sách đối ngoại của ông Trump kể từ khi nhậm chức, trong khi ông nắm trong tay rất ít lựa chọn để đáp trả, theo Reuters.

Giới quan sát cho rằng những phản ứng đầy kiềm chế của ông Trump sau khi nhận được thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên minh chứng rõ cho những khó khăn mà ông gặp phải khi đối phó với mối đe dọa này, dù ông từng cam kết trong quá trình tranh cử sẽ có biện pháp cứng rắn hơn với chương trình hạt nhân và tên lửa Bình Nhưỡng.

Những biện pháp ứng phó ban đầu mà chính quyền của Trump đang xem xét như áp đặt thêm lệnh cấm vận cho tới phô trương lực lượng bằng cách tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa dường như không khác là mấy so với những gì mà người tiền nhiệm Barrack Obama từng đưa ra.

Ngay cả ý tưởng gia tăng áp lực lên Trung Quốc để nước này kiềm chế đồng minh Triều Tiên cũng đã được Nhà Trắng áp dụng nhưng không đem lại thành công. Bắc Kinh không hề tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ nhún nhường trước một tổng thống Mỹ đã từng công khai chỉ trích họ về thương mại, tiền tệ cũng như vấn đề Biển Đông.

Giới phân tích cho rằng ông Trump có thể xem xét những biện pháp quyết liệt hơn để đối phó với các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, từ hành động can thiệp quân sự trực tiếp cho tới đàm phán. Tuy nhiên việc sử dụng biện pháp quân sự như chủ động đánh chặn tên lửa có thể đẩy cả khu vực Đông Á tới bờ vực chiến tranh, trong khi giải pháp đàm phán lại bị coi là sự lùi bước của Mỹ trước Triều Tiên.

"Trump có rất ít lựa chọn trong tay", Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói.

Bà Glaser cho rằng tuyên bố Trump đưa ra sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là ngắn gọn và kiềm chế hơn rất nhiều so với những gì ông đã nói sau vụ Iran phóng thử tên lửa hồi cuối tháng 1.

"Tôi chỉ muốn mọi người hiểu rõ rằng Mỹ sẽ đứng sau Nhật Bản, đồng minh lớn của chúng tôi, 100%", ông Trump nói trong cuộc họp báo ngắn gọn cùng Thủ tướng Nhật Abe tại Palm Beach, Florida. Tuyên bố này của ông không hề đề cập đến Triều Tiên hay bất cứ kế hoạch đáp trả nào với hành động của Bình Nhưỡng được cho là thách thức chính quyền mới của Mỹ.

 Trump cam kết ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề Triều Tiên

Một số chuyên gia phân tích cho rằng tuyên bố ban đầu đầy chừng mực này của Trump có thể là dấu hiệu cho thấy các cố vấn đã khuyên ông không nên "mắc bẫy" Triều Tiên bằng cách đưa ra những lời đe dọa mà Mỹ khó có thể thực hiện, đặc biệt là khi chiến lược đối phó với Bình Nhưỡng của ông vẫn chưa hoàn thiện.

Chiến lược chưa rõ ràng

Các cố vấn của Trump từng tuyên bố rằng họ sẽ đưa ra chiến lược đối phó Triều Tiên quyết liệt hơn rất nhiều so với chính sách "kiên nhẫn chiến lược" mà ông Obama đề ra. Tuy nhiên, chính quyền mới của Trump vẫn tỏ ra rất mơ hồ về cách thực hiện chiến lược cứng rắn này.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Nhà Trắng đã dự liệu về "hành vi khiêu khích" của Triều Tiên và sẽ xem xét một loạt biện pháp phản ứng, nhưng chúng sẽ được cân nhắc để vừa thể hiện quyết tâm của Mỹ vừa không làm leo thang căng thẳng. Biện pháp đó có thể quyết liệt hơn nhiều nếu Triều Tiên hiện thực hóa lời đe dọa phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng bắn tới Mỹ.

Quan chức này cho biết Trump và các trợ lý nhiều khả năng sẽ xem xét các lệnh trừng phạt mới để thắt chặt kiểm soát tài chính liên quan đến Triều Tiên, tăng cường triển khai máy bay, tàu chiến và các cuộc diễn tập quân sự chung xung quanh bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.

Trump có thể sẽ gia tăng áp lực lên Trung Quốc vì cho rằng nước này đã không nỗ lực hết mình trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng thừa nhận rằng họ khó có thể ép Bắc Kinh thực hiện những gì họ mong đợi, đặc biệt là khi thực thi các lệnh cấm vận, bởi Trung Quốc có những lợi ích quan trọng trong việc đảm bảo bất ổn không xảy ra ở Triều Tiên.

Các quan sát viên cho rằng các biện pháp này không khác những gì ông Obama từng đưa ra. Chính quyền của Trump chỉ có thể đi xa hơn bằng cách áp đặt "lệnh cấm vận thứ cấp" đối với các tổ chức giúp Triều Tiên pháp triển chương trình vũ khí, trong đó có rất nhiều công ty Trung Quốc.

Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh:CNN

Tuy nhiên, nếu áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào các công ty Trung Quốc, ông Trump có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại lớn nếu Bắc Kinh có các biện pháp trả đũa, khiến cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hứng chịu những hậu quả nặng nề.

Theo các chuyên gia phân tích, biện pháp khả dĩ nhất lúc này của Trump là đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc, giải pháp đã được ông Obama đặt những nền tảng cơ bản, nhằm đối phó hữu hiệu với mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Khi được bố trí ở Hàn Quốc, THAAD có thể bắn hạ gần như toàn bộ những tên lửa được phóng lên từ Triều Tiên.

"Trump cần phải hành động nhanh chóng để tăng cường lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc và Nhật Bản", Riki Ellison, người đứng đầu Liên minh Ủng hộ Phòng thủ Tên lửa, nhận định. "Ông ấy không thể phớt lờ điều này và nó cần được thực hiện chóng vánh".

Chuyên đề