Phán quyết Biển Đông, phép thử lớn với sự đoàn kết của ASEAN

Phán quyết của Tòa Trọng tài vào ngày 12/7 sẽ thử thách tinh thần đoàn kết của các nước ASEAN trong lập trường với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Các ngoại trưởng ASEAN tham dự hội nghị đặc biệt với Trung Quốc tại Côn Minh hồi tháng 6. Ảnh:AFP
Các ngoại trưởng ASEAN tham dự hội nghị đặc biệt với Trung Quốc tại Côn Minh hồi tháng 6. Ảnh:AFP

Tinh thần đoàn kết của các thành viên khối ASEAN chắc chắn sẽ phải trải qua thử thách lớn sau khi tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc vào ngày 12/7, tờ Nation dẫn nhận định của các chuyên gia phân tích quốc tế.

Chuyên gia Jean-Raphael Chaponniere thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) nhận định rằng, ASEAN trong thời gian qua vẫn chưa thể xây dựng được một lập trường thống nhất trong vấn đề Biển Đông, một phần do sức ép của Trung Quốc, một phần cũng do chưa có một văn bản pháp lý quốc tế chính thức nào có đủ sức nặng mà các quốc gia Đông Nam Á có thể dựa vào để đưa ra một quan điểm nhất quán.

Trong bối cảnh đó, phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ là một điểm tựa vững chắc để ASEAN củng cố tính đoàn kết chống lại sức ép từ Bắc Kinh. Nếu sau sự kiện này mà ASEAN vẫn không thể ra một tuyên bố chung về Biển Đông, khối có thể phải đối mặt với những vấn đề rắc rối về hình ảnh và uy tín, theo Chaponniere.

"Thật khó để ASEAN có thể giải thích với dư luận thế giới về một lập trường mâu thuẫn đối với vấn đề Biển Đông sau khi tòa đưa ra phán quyết. Họ, các quốc gia trong một tổ chức quốc tế, lúc đó đã có một phán quyết quốc tế chính thức làm quy chuẩn", Chaponniere nhận định.

Theo Nation, hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 sắp tới tại Vientiane, Lào bắt đầu từ 21/7, chỉ 9 ngày sau khi tòa đưa ra phán quyết, sẽ là minh chứng quan trọng nhất cho sự hiệu quả và năng động của tổ chức này, đồng thời là cơ hội để ASEAN thể hiện rằng tiếng nói của mình có trọng lượng trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trước những tuyên bố bất nhất của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về lập trường với Trung Quốc sau vụ kiện, giới phân tích khu vực đang rất lo ngại về nguy cơ tái diễn kịch bản đáng thất vọng như tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN năm 2012 ở Campuchia, khi khối lần đầu tiên trong lịch sử không ra được tuyên bố chung.

Thời điểm đó, chính phủ Campuchia, nước có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc và không liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, đã phản đối yêu cầu của Philippines về việc đưa vấn đề tranh chấp ở bãi cạn Scarborough giữa nước này với Trung Quốc vào bản tuyên bố chung. Không vượt qua được bất đồng, ASEAN đã không thể ra được tuyên bố chung sau hội nghị.

Giới quan sát nhận định trong tình hình hiện nay, lập trường của nhà tân lãnh đạo Philippines hậu phán quyết sẽ có những tác động quan trọng đối với môi trường khu vực. Ông Duterte đã tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền của Philippines, nhưng cũng nói rằng sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc sau phán quyết, và có thể xem xét phương án "cùng khai thác" tài nguyên với Trung Quốc trên Biển Đông.

Một số nhà phân tích chia 10 thành viên ASEAN thành ba nhóm: 4 quốc gia có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông gồm Philippines, Malaysia, Việt Nam và Brunei; hai nước Indonesia và Singapore gần đây đã ngày càng trở thành "các bên liên quan" tới cuộc tranh chấp; còn Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar là các bên quan sát.

Theo chuyên gia Chaponniere, các nước thuộc nhóm "quan sát viên" vẫn chưa thực sự quan tâm tới tình hình ở Biển Đông, một phần vì họ không có lợi ích trực tiếp ở khu vực này. Tuy nhiên, ông cho rằng sau phán quyết Biển Đông, nhóm này khó có thể thực sự ở ngoài cuộc, khi họ ngày càng nhận thức rõ rằng nếu không có những nỗ lực thực sự của tất cả các nước thành viên để đưa ra một quan điểm chung về Biển Đông nhằm đẩy lùi áp lực từ các nước lớn, tương lai của ASEAN, một tổ chức nổi tiếng với tính năng động và đoàn kết, sẽ đối mặt với những hoài nghi.

Trung Quốc khăng khăng tuyên bố chỉ tham gia đàm phán song phương với các nước có tranh chấp để giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng thực tế chỉ ra rằng chỉ khi tiếng nói chung của ASEAN được lắng nghe, được xem xét để đưa ra những giải pháp thực tế thì hòa bình và ổn định trong khư vực mới thực sự được thiết lập.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen mới đây tuyên bố rằng ASEAN hoàn toàn có nền tảng để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

"Người Trung Quốc muốn mỗi quốc gia, mỗi bên có tuyên bố chủ quyền giải quyết vấn đề theo con đường song phương, nhưng đối với ASEAN và các quốc gia khác, không thể bỏ qua thực tế rằng Biển Đông là một tuyến đường hàng hải quốc tế", ông Hen khẳng định.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore nhấn mạnh rằng ASEAN và Trung Quốc trong năm 2002 đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC) ở Biển Đông. Theo ông, văn bản đó đã quy định rõ chi tiết cách thức tiếp cận vấn đề và chứng tỏ rằng ASEAN là một bên tham gia chính thức.

"Sau khi phán quyết được đưa ra, tình hình Biển Đông chắc chắn sẽ tiếp tục căng thẳng, hành động và phản ứng của các bên sẽ leo thang hơn. Nếu không muốn bị cuốn đi, ASEAN phải vượt qua thử thách để đứng vững trên những ngọn sóng", chuyên gia Chaponniere nhận định. 

Chuyên đề